1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân phố cổ Hội An nơm nớp sống trong những ngôi nhà xuống cấp

Ngô Linh

(Dân trí) - Hàng chục di tích thuộc diện nhà ở xuống cấp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, khiến người dân phố cổ Hội An luôn bất an. Giải pháp "cho vay không lãi suất" đang được tính đến.

Nhiều năm nay, căn nhà số 23 Tiểu La (phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam) là nơi cư ngụ của ông Dương Thanh Cường cùng con cháu. Họ là thế hệ thứ 4 đang giữ gìn ngôi nhà cổ này.

Rón rén nhích từng bước nhẹ trên các bậc cầu thang bằng gỗ mục nát để lên căn gác nhỏ, ông Cường phải cẩn thận dùng đèn pin để dò đường, luôn miệng nhắc nhở chúng tôi cẩn thận dưới chân.

Người dân phố cổ sống bất an trong những ngôi nhà xuống cấp (Video: Ngô Linh).

Người dân phố cổ Hội An nơm nớp sống trong những ngôi nhà xuống cấp - 1

Căn nhà 23 Tiểu La, Hội An bị hư hại nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào (Ảnh: Ngô Linh).

Theo ông Cường, căn nhà này được ông bà tổ tiên xây dựng từ cách đây gần 70 năm và xếp vào di tích loại IV. Sau hàng chục năm hứng chịu thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, căn nhà đã hư hỏng nặng.

"Do mái ngói hư hại, gia đình phải dùng các tấm bạt để che chắn, xô chậu để quanh nhà hứng nước mưa. Các đòn tay cũng mục nát, chống đỡ trong thế yếu ớt... Với hiện trạng nhà cổ hiện nay, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn cả gia đình", ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, chính quyền địa phương đã cho người đến khảo sát, đề nghị hỗ trợ kinh phí tu bổ. Tuy nhiên, theo tính toán, để tu bổ căn nhà này phải tốn ít nhất vài tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 40-60%, còn lại chủ di tích góp thêm. Nhưng do điều kiện khó khăn, gia đình không đối ứng nổi nên mới để di tích xuống cấp trong sự bất lực.

Ở căn nhà số 56/10 đường Lê Lợi (phường Minh An, TP Hội An), vợ chồng ông Võ Văn Hội (60 tuổi) đã là thế hệ thứ 5 sinh sống. Căn nhà này gần 200 tuổi, thuộc di tích loại 1.

Người dân phố cổ Hội An nơm nớp sống trong những ngôi nhà xuống cấp - 2

Bà Tâm sống bất an trong căn nhà cổ đang xuống cấp (Ảnh: Ngô Linh).

"Ngói âm dương hư hỏng quá nhiều nên cứ vào mùa mưa là dột, tôi phải dùng các tấm bạt căng lên để chống mưa nhưng cũng không đâu vào đâu. Một số đòn tay cũng đã rệu rã, đang được gia cố bằng các thanh gỗ tạm bợ", bà Trần Thị Thanh Tâm (vợ ông Hội) nói.

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho biết, theo chủ trương phòng, chống lụt bão cho các di tích trong khu phố cổ năm 2024, trung tâm đã phối hợp với địa phương, đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản rà soát di tích xuống cấp trong khu phố cổ.

Trên cơ sở đó, trung tâm đánh giá tình trạng xuống cấp của từng di tích, đề xuất các giải pháp chằng chống hoặc di dời, hạ giải để đảm bảo an toàn.

Qua khảo sát, có 36 nhà cổ trong tổng số hơn 1.000 di tích thuộc diện nhà ở đã xuống cấp. Trong đó, 10 nhà xuống cấp nghiêm trọng, 17 nhà xuống cấp nặng, 9 nhà xuống cấp nhẹ.

Người dân phố cổ Hội An nơm nớp sống trong những ngôi nhà xuống cấp - 3

Căn nhà 76/18 Trần Phú phải dùng cây chống đỡ tránh đổ sập (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Ngọc cũng cho rằng chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ di tích thực hiện việc tu bổ theo đúng quy định. Các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ, thuộc sở hữu tập thể, không có người đại diện về pháp lý, trung tâm đã tham mưu thành phố Hội An trình UBND tỉnh Quảng Nam xin chủ trương hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ để kịp thời cứu di tích.

"Trong lúc chờ ý kiến trả lời từ tỉnh, mới đây chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hội An cân đối ngân sách để thực hiện tu bổ, cứu nguy các di tích xuống cấp nghiêm trọng thuộc phố cổ theo thẩm quyền, xem xét cơ chế hỗ trợ đặc biệt (hỗ trợ 100%) trong thời gian sớm nhất", ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, những nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, ngoài việc nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu (tỷ lệ 40-70%), nếu chủ nhà gặp khó khăn không đủ kinh phí đối ứng, nhà nước sẽ cho vay. Phương thức cho vay cụ thể: 3 năm đầu tiên vay không lãi suất, sau đó chủ nhà từ từ hoàn trả.