Gia Lai:
Di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân, nhiều tuyến đường bị chia cắt
(Dân trí) - Do ảnh hưởng cơn bão số 12 nên khu vực đông nam tỉnh Gia Lai có mưa lớn. Bên cạnh đó, các thủy điện xả lũ đã khiến mực nước tại các con sông dâng rất nhanh, nhiều khu vực bị chia cắt.
Trong suốt đêm 10/11 và ngày 11/11, rất nhiều hộ dân ở vùng trũng ven sông Ba thuộc huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa đã bị ngập sâu buộc phải bỏ nhà chạy lũ. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã kịp thời huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân hỗ trợ dân các phường này di dời lên khu vực an toàn.
Theo báo cáo, huyện Ia Pa đã tổ chức di dời 326 hộ dân đến nơi an toàn (311 hộ dân ở buôn Jứ, xã Ia Broai và 15 hộ dân thôn Bình Hoà, xã Chư Răng) do nơi ở có nguy cơ bị ngập. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ia Pa có 3 ngầm tràn bị ngập, nước chảy xiết, người dân các thôn Mơ Năng 2, xã Kim Tân (245 hộ dân), thôn Plei Du, xã Chư Răng (174 hộ dân), thôn Bi Giông và Bi Gia, xã Pờ Tó (340 hộ dân) không thể qua lại.
Mưa lớn cộng với việc xả lũ của thủy điện phía thượng nguồn sông Ba đã khiến tuyến đường quốc lộ 25 ngập sâu gây ách tắc giao thông trong ngày 11/11. Hiện nay, nhiều hoa màu của người dân tại các xã vùng trũng ven sông Ba như Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar, Chư Gu, Ia Rmok vẫn đang bị ngập úng. Chính quyền địa phương đã tập trung lực lượng chốt chặn 2 đầu cầu để cảnh báo cho các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.
UBND tỉnh Gia Lai đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão số 12. Công điện này cho biết, hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 9 đến 12/11 ở khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt.
Trước tình hình này, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các ngầm, tràn khu vực ngập sâu, chảy xiết; đồng thời rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...
Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo tính mạng người dân. Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các chủ đầu tư, các chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định...
Bình Định tiếp tục cấm biển
Ngày 12/11, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã lại ban bố lệnh cấm biển để ứng phó với bão số 13 có tên quốc tế là Vamco.
Theo đó, từ 14h ngày 11/11, Bình Định nghiêm cấm không cho tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh ra khơi đánh bắt.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện và thành phố nghiêm cấm không cho tàu xuất bến, cho đến khi có thông báo cuối cùng về bão số 13 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.
Bình Định là một trong địa phương có đội tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước với hơn 6.000 tàu cá, với hàng chục ngàn lao động thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Đặc biệt, trong bão số 9 vừa qua, có 23 ngư dân tỉnh Bình Định vẫn bị mất tích khi trên đường tránh bão ở vùng biển Khánh Hòa.
Cũng theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân tỉnh này.