Di dân, thiếu bữa giữa lòng Hà Nội
(Dân trí) - 20h ngày 31/10, nhiều khu chung cư tại Hà Nội thực sự biến thành ốc đảo, tứ bề là nước. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, mất điện, thiếu nước sạch, lương thực thực phẩm khan hiếm. Nhiều gia đình đang cố chạy vạy bữa ăn tối để hy vọng đến sáng mai nước rút.
Di dân lên nhà hàng xóm
Từng tiếng mưa rơi lúc lanh chanh, lúc lộp độp gõ vào cánh cửa kính, vọng vào máy điện thoại khi chúng tôi liên lạc với chị Vũ Hương Ly, một người dân sinh sống tại khu nhà F3 thuộc khu tập thể Thành Công (phố Thái Hà, Đống Đa). “Lúc này, toàn bộ khu tập thể Thành Công đã biến thành ốc đảo, chìm trong biển nước. Khu bị nặng nhất là F1, F3, và khu I, tại đây, từ khoảng 19h30, nước đã ngập đến bậc thang thứ 8 trong tổng số 13 bậc thang của khu nhà, mức này là cao trên 1,3m”, chị Ly cho biết.
Một người dân tại tầng 1 của khu nhà F1, đề nghị giấu tên, nói với chúng tôi giọng nói như hắt ra: “ướt hết rồi, chả còn gì, không kịp chạy gì… Nhà tôi, chỉ còn riêng bàn thờ là con nước chưa động tới được”. Hiện gia đình này đã phải chuyển lên ở nhờ một nhà hàng xóm tại tầng 2 của khu nhà.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng trăm người dân sinh sống tại tầng 1 thuộc các khu tập thể như Thành Công, Thanh Xuân Bắc đang bị nước mưa xâm nhập lụt nặng, phải tự tổ chức di dời lên nhà hàng xóm ở tầng cao hơn để chờ nước rút, trong đó, chỉ riêng khu nhà F3 đã có 4 hộ dân như thế. Như gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng, trú tại phòng 208 nhà F3 khu tập thể Thành Công đã đón hai cha con một bác hàng xóm ở tầng 1.
Đặc biệt, căn nhà rộng 30m2 của bà Lý (phòng 206, nhà F3 Khu tập thể Thành Công), trong đêm nay đã trở thành tổ ấm cho 3 gia đình, khi vừa đón 4 người trong gia đình chị Trang - phòng 105 và 1 người trong gia đình ở phòng 108.
Mực nước tại khu vực tập thể Thành Công chiều 31/10. (Ảnh: Tiểu Lý) |
Cùng ập đến với mưa lụt là hàng trăm mối lo mà người dân tại các khu chung cư đang phải hứng chịu. Chị Kiều Lan, sống tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc cho biết: đến 11h trưa 31/10, tầng 1 của nhà tập thể đã ngập đến 1/3. Và đến 17h cùng ngày, mức nước đã “ăn” đến nửa tầng một.
Mọi sinh hoạt của người dân tại khu vực này đang trong tình cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Người lớn đã dắt xe ra khỏi nhà rồi đành quay về, gọi taxi hay xe ôm thì tất cả đều “đợi chờ trong vô vọng” khi nước lớn cứ không ngừng dâng lên, nhấn chìm những con đường nối khu chung cư với trung tâm thành phố.
Chị Lan cho biết, khu Thanh Xuân Bắc nhà chị còn bị cắt điện từ sáng sớm đến giờ, không biết đêm nay sẽ phải mò mẫm ra sao.
“Điều nguy hại nhất lúc này đối với chúng tôi là tình trạng ô nhiễm. Dòng nước bẩn, đen đặc dồn từ chợ Thanh Xuân Bắc đang trôi lềnh bềnh vào khu dân cư, vào từng ngóc ngách nhà. Thật khủng khiếp!”, một người dân tại đây cho biết.
Chị Thu, một người dân trú tại khu tập thể Thanh Xuân Nam cho biết: “Điều khiến không chỉ tôi mà còn là hàng trăm hộ dân trong khu tập thể không khỏi lo ngại là xe máy được gửi tại tầng 1 các khu tập thể bị ngập hết. “Vì nước mưa dâng lên quá nhanh, quá bất ngờ khiến chúng tôi không kịp trở tay. Xe giờ đã chìm trong biển nước mà đành ngồi nhìn. Xót lắm mà không làm cách gì được”.
Cũng vào lúc này, hàng trăm bậc phụ huynh tại các khu nhà đang “đứt từng khúc ruột” ngóng trông tin tức người thân. Gian nan nhất là chuyện đón con từ trường học về khi khắp các nẻo đường đều tắc nghẽn, người đi đón mất hút mà người đi học thì không thấy tăm hơi. Chiều nay, hai trường cấp I và một trường cấp II tại khu vực Thanh Xuân Bắc đã phải thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh “thảm cảnh” tương tự.
Mực nước tại khu Nam Đồng. (Ảnh: Longnd)
Còn tại khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội), chị Thu Hằng cho biết, dãy nhà C nơi gia đình chị ở, nước ngập cao hơn nửa mét, xấp xỉ yên xe máy. “Khu vực nhà tôi còn là điểm cao của khu tập thể này, tại sân chơi của nhà A7, có nơi mực nước đo được tới 80-90cm”, chị Hằng khẳng định.
Nhiều gia đình ở tầng 1 khu Nam Đồng đã phải di dời một số đồ đạc lên những tầng trên.
Nước tràn vào nhà dân tại khu Nam Đồng. (Ảnh: Vĩnh Ngọc) |
“Khát” thực phẩm, nước sạch
Cuộc trao đổi giữa phóng viên Dân trí với chị Ly liên tục bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại khác từ khắp nơi, mà chủ yếu là hàng xóm gọi hỏi chuyện bữa ăn. “Chuyện nước uống và lương thực đang thực sự khiến chúng tôi phải đau đầu. Hiện toàn khu nhà đang phải tích trữ nước mưa để dùng vì sợ nước mưa cùng bùn đất và nước cống đã tràn vào bể nước sạch công cộng dưới đất.
Người dân trong khu tập thể đã quen với việc đi chợ mua đồ ăn sống tại siêu thị, chợ cóc nên khi gặp mưa lụt, trong nhà hầu như không tích trữ đồ ăn mặn. Nhà tôi lúc này chỉ ít ruốc, sữa, bánh mỳ, gạo nhưng khẩu phần này cũng đang phải san sẻ cho các hộ hàng xóm. Một người bạn muốn gửi đồ ăn tới cho chúng tôi nhưng cũng đành chịu chết bởi nước đã cô lập toàn bộ rồi. Nhưng chúng tôi vẫn là những người may mắn. Nhiều hộ gia đình nơi đây đang thực sự khốn khó vì không thể ra khỏi nhà, đành chạy đến nhà hàng xóm để hỏi bữa”, chị Ly cho biết.
Giữa “ốc đảo”, may mắn nhất là tích trữ được lương thực (Ảnh: Vĩnh Ngọc) |
Trên thực tế, đây cũng là tình cảnh chung tại rất nhiều khu tập thể khác. Tại Thanh Xuân Bắc, đến đầu giờ tối vẫn còn nhiều hộ gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìm mớ rau, con cá từ nhà hàng xóm. Cả ngày hôm nay, chợ Thanh Xuân Bắc - vốn là chợ thực phẩm lớn nhất tại quận Thanh Xuân, “phục vụ” trực tiếp cho cả trăm hộ dân tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam không hoạt động.
“Còn khu chợ Nam Đồng mọi khi đông đúc là thế, hôm nay tạnh bóng hàng quán, không có gì ngoài rau muống, với giá 15.000 đồng/mớ. Hiện tại, nước mưa cũng ngập qua bể nước sạch của khu tập thể Nam Đồng, khiến người dân tại đây thiếu nước sạch để dùng”, chị Thu Hằng cho biết thêm.
Thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, do tình trạng nước ngập sâu, UBND phường Thành Công đã phải tiến hành di dời 10 hộ gia đình sinh sống tại tầng 1 của khu B4 đến tạm trú tại nhà văn hoá phường.
Phúc Hưng - Tiểu Lý