Đêm ở chốt phong tỏa Covid-19
(Dân trí) - Ca trực của thầy Trần Văn Linh từ 0h đến 6h. Chưa quen thức đêm, hai mí mắt cứ nặng trĩu, díp lại. Vừa phải cố gắng chống lại cơn buồn ngủ, vừa ghi lời khai y tế, đo nhiệt độ cho người dân qua chốt...
Lúc này là 2h sáng, tại chốt phong tỏa phòng, chống Covid-19 đặt ở quốc lộ 1, đoạn giáp giữa hai xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc) và xã Nghi Diên (TP Vinh, Nghệ An).
Khu vực này cũng chính là chốt phòng dịch cửa ngõ phía Bắc thành phố Vinh, bắt đầu hoạt động từ 0h ngày 19/6. Là tuyến quốc lộ 1A, nên lưu lượng người và phương tiện qua chốt lớn, kéo dài gần như suốt ngày đêm.
"Buổi đêm thì trời dịu hơn, gió Lào thổi ràn rạt, không phải hứng cái nắng như đổ lửa trên trời xuống và hơi nóng hầm hập từ đường nhựa bốc lên. Nhưng đây là con đường huyết mạch giao thông, gần như không có thời gian được nghỉ", Thượng úy Phạm Tất Thắng - Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An nói bằng cái giọng khản đặc.
Gần như cả ngày anh và các anh em khác phải liên tục giải thích người dân về các quy định qua lại chốt cũng như giải đáp các thắc mắc khác. Mang khẩu trang, giữ khoảng cách, đường ồn ào còi xe, tiếng động cơ, thành ra ai cũng phải nói thật to để đối phương có thể nghe được.
Thực hiện nhiệm vụ tại chốt này ngoài lực lượng công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên còn có các thầy giáo thuộc Phòng GD&ĐT TP Vinh mới được bổ sung. Mỗi lực lượng chia thành 4 ca trực, mỗi ca kéo dài 6 tiếng đồng hồ, bất kể ngày hay đêm.
Trong những ngày đầu, do chưa có hướng dẫn cụ thể, các bộ phận cũng vừa "ráp" với nhau nên sự phối hợp chưa nhuần nhuyễn, dẫn tới lúng túng, giao thông ùn tắc cục bộ. Rút kinh nghiệm dần, nhất là khi thành phố Vinh ban hành quy định cụ thể những điều kiện về người và phương tiện qua chốt, cứ "áp" mà làm, cũng bớt căng thẳng hơn.
"Nói là áp quy định nhưng không phải ai cũng chấp hành. Theo quy định, người từ thành phố ra phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực nhưng nhiều người không có. Lúc đầu thì còn nhẹ nhàng năn nỉ xin qua chốt, sau đó thì nặng lời, thậm chí là lăng mạ.
Mấy ngày đầu chưa quen, tự nhiên bị mắng oan, ấm ức suýt khóc. Nay "miễn nhiễm" rồi, cứ đúng quy định mà làm, không có giấy xét nghiệm thì mời bác quay lại thành phố. Giữ là giữ chung cho sự an toàn của cả cộng đồng chứ giữ gì cho riêng mình đâu", chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Bí thư Đoàn thanh niên xã Nghi Liên cho biết. Đoàn xã cũng tăng cường 10 tình nguyện viên gác cửa ngõ này của thành phố.
Ban ngày, mệt rã rời với nắng nóng, với đủ loại thắc mắc, đủ thái độ của người dân thì bắt đầu từ 6h tối, lại bước vào một "cuộc chiến" khác. Nhất là từ thời điểm 0h trở đi.
Hôm đầu tiên nhận lịch tăng cường hỗ trợ cho chốt, ca trực của thầy Trần Văn Linh (Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh) phụ trách ca 1, từ 0h đến 6h. Chưa quen thức đêm, hai mí mắt cứ nặng trĩu... Vừa phải cố gắng chống lại cơn buồn ngủ, vừa ghi lời khai y tế, đo nhiệt độ cho người dân qua chốt bởi thời điểm này vẫn có người và phương tiện qua lại chốt.
"Anh em giật bắn khi thấy chiếc xe tải lao rầm rầm tới, xô đổ cả thanh chắn rồi phanh khét lẹt đường, đi sâu vào phía trong chốt khoảng tầm 200 m. Thì ra tài xế buồn ngủ quá, không quan sát được phía trước có vật cản, khi phát hiện thì cự ly gần quá, không xử lý kịp nên mới có pha "thông chốt" như vậy. Rất may là phía anh em công an trực chốt đã kịp nhảy về phía sau để tránh", thầy Linh vẫn chưa quên cảm giác rợn người với tiếng phanh xe xé màn đêm ấy.
Thượng úy Phạm Tất Thắng tiếp lời: "Thực ra chốt quốc lộ ban đêm thì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Vào khoảng tầm 2h sáng, lúc đó tài xế hay rơi vào trạng thái thiếu tỉnh táo, buồn ngủ. Bởi vậy anh em đứng chốt bao giờ cũng phải cố gắng để giữ cho mình sự tỉnh táo, kịp thời phát hiện và xử lý tình huống. Với những tình huống cố tình chống đối, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ, chúng tôi báo với công an xã để phối hợp xử lý".
Vào tầm 4h sáng hàng ngày, phía bắc của chốt trở thành bãi tập kết hàng hóa để "tăng bo" vào nội thành. Ngoài việc hỗ trợ công an kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện, các lực lượng tình nguyện phải xắn tay vận chuyển hàng hóa qua chốt, giải phóng đường để tránh tình trạng tụ tập đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
TP Vinh đã bước sang ngày thứ 13 thực hiện cách ly xã hội, thời điểm sáng 1/7, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lên 102 trường hợp. Ngành y tế và chính quyền các địa phương vẫn đang nỗ lực truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Trên các cửa ngõ thành phố, lực lượng tuyến đầu, những khuôn mặt cháy nắng, những đôi mắt thiếu ngủ vẫn bám chốt chặn dịch với mong mỏi duy nhất sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.