Đề xuất văn phòng công chứng được khai thác dữ liệu vân tay, mống mắt
(Dân trí) - Về cơ sở dữ liệu công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị văn phòng công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu dân cư như nhận diện khuôn mặt, vân tay, mống mắt...
Cơ sở dữ liệu công chứng
Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sáng 25/6, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị xem xét quy định trong dự luật theo hướng công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu dân cư ở các trường hợp sinh trắc học không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh như nhận diện khuôn mặt, vân tay, sau này là mống mắt.
Từ đó có thể phục vụ cho việc xác định chủ thể tham gia giao dịch công chứng. Theo đại biểu, khi sử dụng dữ liệu này phải trả tiền từ lượt khai thác theo quy định do Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an quy định.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, quy định như vậy thuận lợi, chính xác, an toàn cho hoạt động công chứng, đồng thời không lãng phí tài sản xã hội khi các tổ chức, cá nhân phải tự trang bị cho mình.
Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cũng đề nghị bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu vào dự thảo Luật theo hướng cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Điều này giúp hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia.
Bổ sung trường hợp tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng
Bên cạnh đó, đại biểu Bảo Trân cũng đề nghị xem xét bổ sung điều khoản về tạm dừng hoạt động của văn phòng công chứng tại dự thảo Luật.
Thực tiễn hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên vừa thực hiện nhiệm vụ của công chứng viên vừa kiêm nhiệm trưởng phòng.
Theo đại biểu, việc không thu hút được công chứng viên làm việc, gắn bó lâu dài với văn phòng công chứng là do chưa có sự cạnh tranh về chế độ đãi ngộ cũng như tiền lương, tiền thưởng.
Trường hợp công chứng viên nghỉ việc, phòng công chứng khó có thể duy trì hoạt động liên tục. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng và phương án xử lý các vấn đề phát sinh.
Về mô hình tổ chức văn phòng công chứng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do một thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.
Điều này nhằm khắc phục bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế xã hội, huyện nghèo, vùng sâu vùng xa. Bởi thực tế những nơi này còn nhiều huyện chưa có văn phòng công chứng do quy định văn phòng này thành lập phải có 2 công chứng viên trở lên.
"Một công chứng viên đã khó rồi, hai người lại càng khó hơn. Do thành lập thu nhập không cao, lại phải trả lương cho công chứng viên hợp danh là điều không thể. Cho nên không công chứng viên nào dám thành lập ở nơi đây", ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu này cho rằng tùy điều kiện thực tế mà có thể cho phép thành lập văn phòng công chứng một thành viên.