Công chứng viên hành nghề không quá 70 tuổi: Lãng phí nhân lực?

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên không quá 70 tuổi. Có ý kiến cho rằng quy định này sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Quy định tuổi hành nghề của công chứng viên

Chiều 17/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

So với Luật Công chứng hiện hành, dự thảo luật đã được sửa đổi xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản.

Công chứng viên hành nghề không quá 70 tuổi: Lãng phí nhân lực? - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: QH).

Theo Phó Thủ tướng, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Dự luật quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng, bỏ quy định miễn đào tạo. Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng.

Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Về độ tuổi hành nghề, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, dự luật quy định tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.

Đồng thời, dự thảo luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm để bảo đảm quá trình chuyển giao hoạt động của những công chứng viên này.

Đề nghị không nên giới hạn tuổi hành nghề

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để nâng cao chất lượng công chứng, dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên là không quá 70 tuổi.

Đối với các công chứng viên đang hành nghề mà gần 70 tuổi hoặc quá 70 tuổi, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp. Theo đó, những công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi.

Bên cạnh đó, công chứng viên đã được bổ nhiệm trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà đã trên 70 tuổi thì sẽ có thời gian hành nghề thêm tối đa là 2 năm.

Công chứng viên hành nghề không quá 70 tuổi: Lãng phí nhân lực? - 2

Trình bày tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại Quốc hội (Ảnh: QH).

"Quy định này nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên gần 70 tuổi hoặc trên 70 tuổi thôi hành nghề công chứng", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên như quy định của dự thảo luật.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Cho nên, việc dự thảo luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của y học hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70 tuổi.