Chủ tịch nước: "Có giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải xin công chứng"
(Dân trí) - Nhấn mạnh công chứng để phục vụ người dân và hành chính nhà nước, song Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng yêu cầu dân phải xin công chứng mới giải quyết.
Quan điểm này được Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra trong phiên họp tổ chiều 17/6, khi góp ý vào dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.
Theo Chủ tịch nước, dự thảo luật là "hành nghề công chứng" có vẻ phù hợp hơn Luật Công chứng, bởi nếu nói là Luật Công chứng thì chưa toàn diện lắm.
Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết trước đây không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau khi nhu cầu quản lý hành chính nhà nước và tư pháp phát triển mới sinh ra công chứng, hình thành nghề công chứng và giao cho ngành tư pháp quản lý.
Lưu ý "nếu tùy tiện thì rất khó khăn", Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng các cơ quan hành chính có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng yêu cầu người dân phải đi xác nhận và đi xin công chứng mới giải quyết.
"Nói là phục vụ người dân nhưng để phục vụ hành chính nhà nước là chính, vì nhà nước đòi hỏi cái này cái kia phải công chứng, phải xác thực thì người dân mới đi làm chứ không ai thích vì tốn thêm tiền", Chủ tịch nước nói.
Dù vậy ông nhận định vừa qua, việc quản lý, quản trị nhà nước đã cải cách rất nhiều. Việc cải cách các thủ tục hành chính cũng giúp giảm bớt việc công chứng.
Ví dụ trước đây phải đi phô tô hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa nên không còn gì mà công chứng.
Hay như trước đây đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải đem một tập giấy tờ để công chứng xác nhận, nhưng nay cải cách thủ tục hành chính không cần cái đó nữa nên độ nóng của ngành công chứng giảm bớt đi.
"Bây giờ, căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người giao dịch, cầm cái đó đi không cần xác nhận gì, chỉ cần một số định danh đó là giao dịch được, không cần công chứng", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo ông, luật cần quy định rõ trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không để một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người dân phải công chứng và khi hỏi công chứng để làm gì thì không biết.
"Vừa rồi cải cách thủ tục hành chính người dân rất đồng tình, đến mức họ không nghĩ tại sao bây giờ đơn giản thế. Trước đây, để làm các thủ tục phải đến từ sáng sớm xếp hàng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết, còn bây giờ chỉ mang mỗi căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết rồi, thậm chí cũng không cần đến nữa mà giao dịch điện tử", Chủ tịch nước nhấn mạnh đó mới là cải cách quan trọng.
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của luật hiện hành.