1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Trước thực tế một số vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa xảy ra nhưng chưa được xử lý thỏa đáng, Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cân nhắc về đề xuất lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa

Phát biểu thảo luận tại hội trường khi cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chiều 23/10, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cần cân nhắc đề xuất lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa.

Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa - 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) (Ảnh: Q.H.).

Ông cho rằng lý do đề xuất thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa là thời gian qua nhiều vi phạm chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn trường hợp để mất di vật, cổ vật, hư hại di sản văn hóa. Vậy, nếu thành lập thanh tra thì có bảo vệ được cổ vật, tránh việc bị đánh cắp hay hư hỏng như thời gian qua không?

Theo đại biểu, thời gian qua cổ vật bị mất mát, hư hại là do cơ quan thanh tra, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý lỏng lẻo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cơ quan thanh tra của bộ, cần phát huy để thực hiện hiệu quả nên không nhất thiết phải thành lập thêm cơ quan thanh tra di sản văn hóa.

Đại biểu Hòa cũng cho rằng việc thành lập thêm cơ quan thanh tra sẽ làm tăng thêm biên chế. "Nên chăng giao Chính phủ. Chính phủ thấy cần thiết thì quy định, không thì không quy định, chứ không nên ghi trong luật", vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, quá trình thảo luận có ý kiến cho rằng quy định về thanh tra di sản văn hóa đã được quy định tại Luật Thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan nên nếu quy định như dự thảo luật sẽ dẫn đến chồng chéo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến về vấn đề này.

Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Trả lời UBTVQH, Chính phủ cho rằng lĩnh vực quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.

Theo Chính phủ, trên thực tế một số vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa xảy ra nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn có hiện tượng bị mất di vật, cổ vật; di sản bị xâm hại, làm sai lệch; địa điểm khảo cổ không được bảo vệ.

Việc xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực di tích gây ảnh hưởng xấu đến yếu tố gốc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

Khi dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra đều nhận định, lĩnh vực quản lý Nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Việc thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa là cần thiết.

Nhiều cổ vật bị đánh cắp, mua bán ra nước ngoài

Cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng tình trạng cổ vật quý, bảo vật quốc gia của Việt Nam bị thất lạc, mua bán ra nước ngoài xảy ra nhiều trong thời gian qua.

Theo đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung điều khoản quy định cơ quan của Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có quy định về thu hồi các cổ vật bị tước đoạt, đánh cắp, xuất khẩu trái phép.

Vị đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị thành lập tổ chức chuyên trách nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ cổ vật của Việt Nam bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài.

Theo đại biểu Bình, nhiều cổ vật quý của Việt Nam đang nằm trong các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân. Cần có quy định để chủ động đấu tranh thu hồi, tránh thụ động như thời gian qua.

Ngoài ra, vị đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật nên bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý nguồn lực tài chính, nhất là phân bổ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội từ tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để bảo vệ, phát huy và thu hồi cổ vật bị thất lạc.

Điều 18 Luật Thanh tra quy định thanh tra tổng cục, cục được thành lập thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà tổng cục, cục được phân cấp quản lý. Với di sản văn hóa là Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 03 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì lĩnh vực di sản văn hóa không có chức năng thanh tra chuyên ngành.