1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển giao Phó Thủ tướng phụ trách

(Dân trí) - Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước nhưng thời gian qua việc quản lý biển, hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo,... “Tôi đề nghị Chính phủ thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách về hoạt động kinh tế biển”.

Đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) góp ý thảo luận như vậy khi thảo luận về Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại nghị trường Quốc hội sáng nay (28/5).

“Nóng” vấn đề chủ quyền!

Nhấn mạnh đến việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và quyền tài phán của nước ta thông qua các điều luật và quy định trong luật, đại biểu Lê Việt Trường cho rằng nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo bền vững là rất quan trọng.

“Hiện nay khu vực quần đảo Trường Sa, ngoài đảo nổi còn rất nhiều bãi chìm, bãi đá, bãi cạn, san hô, nửa chìm nửa nổi… Vì vậy phải quy định rõ để tạo thuận lợi trong việc đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta” - đại biểu Trường cho biết.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Việt Hưng)

Đồng quan điểm với đại biểu Trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề cập đến Công ước Luật biển. Trong đó, theo Điều 13 của Công ước về Luật biển thì có nơi gọi là bãi cạn nửa chìm nửa nổi, có thể gọi là bãi nổi khi nước ngầm. Đặc trưng của nó theo Điều 13 là lúc nước lớn nó bị lấp, lúc nước ròng nó nổi lên. Trong lịch sử đã từng có tranh chấp đổ máu, có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống để giành lại bãi đá này.

“Hiện nay âm mưu của Trung Quốc chính là “biến” bãi đá nửa chìm nửa nổi này xây dựng những cấu trúc để khi nước lớn thì nó vẫn nổi. Bãi đá nửa chìm nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải và việc xây dựng cấu trúc của Trung Quốc được thực hiện với ý đồ nếu nước lớn mà nó vẫn nổi thì nó biến thành bãi đá, khi đó bãi đá sẽ có 12 hải lý xung quanh và điều này có nghĩa là thuộc lãnh hải của nước đó” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu như Luật biển Việt Nam chưa nhắc đến thì bây giờ càng phải nhắc đến điều này. Luật biển cần quy định rõ để thuận lợi trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Cần lập Bộ Kinh tế biển

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) dẫn ra việc Việt Nam có trên 3.200km bờ biển, có nhiều tiềm năng dầu, khoáng sản chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa. Điều này cho thấy việc ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu An đề nghị bổ sung tại Điều 4 dự án Luật nội dung “Nhà nước chịu trách nhiệm quy hoạch tổng thể biển, hải đảo, sau đó phân cho các chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành”.

Chủ quyền biển đảo được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận sáng 28/5

Chủ quyền biển đảo được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận sáng 28/5

Đại biểu An cho rằng kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng trong thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả. “Tôi đề nghị Chính phủ thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách về hoạt động kinh tế biển” - bà An nêu quan điểm.

Ngoài ra, đại biểu An cũng đề cập tới vấn đề giao thông liên quan trực tiếp tới cảng biển. Theo bà An, thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã làm tốt vấn đề giao thông về quy hoạch cảng biển nhưng còn hạn chế về đường sắt nối liền cảng biển, Chính phủ, Quốc hội cần dành nguồn lực cho đường sắt để nối liền cảng biển.

Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Huynh (đoàn Kiên Giang) khẳng định: “Hiện nay, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không chỉ vấn đề kinh tế mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Kiên Giang cũng cho rằng hiện nay các thông tin về tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng, biện pháp quản lý rủi ro kinh doanh đều còn thiếu dẫn tới e ngại của các nhà đầu tư, vì vậy vị này đề nghị bổ sung hệ thống thông tin, quy hoạch, cơ sở dữ liệu… tiến tới công bố, tạo cơ chế để tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin rõ ràng.

Bàn về Dự thảo Luật này, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TPHCM) nhấn mạnh: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hướng tới xây dựng một hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên biển và hải đảo, tức là quản lý nhiều ngành, lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối.

Nữ đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, sự ra đời của luật này không làm thay thế các luật chuyên ngành. Với luật này thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn quản lý nhà nước về nuôi trồng và khai thác hải sản theo Luật Thủy sản, Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước về cảng biển về nghiệp vụ cảng biển nhiệm vụ hàng hải.

Tuy nhiên, đại biểu Trang cũng nêu ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, nhưng trong dự thảo Luật thiếu công cụ, thiếu cơ chế để giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan trong khai thác tài nguyên và môi trường.

“Dự thảo luật thiếu các công cụ kết nối các ngành trong bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo nên cần bổ sung.Vai trò của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia bảo vệ còn mờ nhạt, phân cấp quản lý cho địa phương còn chưa cụ thể.Thời gian qua nhiều chủ đầu tư được cấp phép, sử dụng bờ biển ảnh hưởng đến quyền tiếp cận biển của người dân. Do đó, theo tôi cần quy định bảo đảm nguyên tắc được tiếp cận biển của cộng đồng, khi có xung đột lợi ích thì ưu tiên lợi ích lâu dài, khi có mâu thuẫn giữa lợi ích cộng đồng với cá nhân thì ưu tiên lợi ích cộng đồng…” - đại biểu Trang cho hay.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò điều hành trực tiếp đã đánh giá cao những ý kiến tham gia đóng góp thẳng thắn và trách nhiệm của các đại biểu về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp và xây dựng của các đại biểu, ngày 25/6, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm