1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất “siết” phát ngôn của đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Chiều 27/10, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề xuất phải bổ sung quy định về kỷ luật phát ngôn của đại biểu, còn đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nói: “Trang phục đại biểu Quốc hội đã vượt qua cả tầm thời trang công sở, nhiều lúc cảm giác như đi dạ hội nhiều hơn là đi họp”.

 

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất có quy định về kỷ luật phát ngôn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất có quy định về kỷ luật phát ngôn của đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, trong quá trình chất vấn tại hội trường và trả lời bên hành lang kỳ họp, có những nội dung bình thường nhưng có đại biểu Quốc hội lại phát ngôn gây bức xúc dư luận.

“Vừa qua có chuyện đề bạt cán bộ trẻ giữ các vị trí lãnh đạo, tôi thấy bình thường, nhưng có đại biểu phát ngôn lên báo gây bức xúc dư luận. Chính vì thế tôi đề nghị phải bổ sung kỷ luật phát ngôn vào Nội quy của kỳ họp Quốc hội”- ông Tuấn đề xuất.

Ông Tuấn cho rằng phải xây dựng văn hóa phát ngôn cho đại biểu Quốc hội. “Phải làm sao để khi chất vấn tại nghị trường đảm bảo hài hòa, tôn trọng giữa người chất vấn và người được chất vấn. Trả lời bên hành lang Quốc hội thì phải cân nhắc từ ngữ, tránh dùng những từ ngữ quá mức gây bức xúc dư luận. Tất nhiên quyền tự do ngôn luận của đại biểu Quốc hội vẫn phải được tôn trọng”- ông Tuấn nói.

Đặc biệt, ông Tuấn phản ánh có rất nhiều tài liệu gửi tới các đại biểu Quốc hội được đóng dấu mật. “Có những tài liệu tôi thấy không có gì là phải mật cả nhưng cứ đóng mật hết. Chúng ta phải xem lại, cái nào đáng mật, không đáng sử dụng từ mật thì không nên đóng dấu mật như vậy, bởi cứ như vậy thì dấu mật không còn tầm quan trọng của nó nữa”- ông Tuấn nhấn mạnh..

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) lại đề nghị chú ý nhiều hơn tới trang phục của các đại biểu Quốc hội. “Trang phục đại biểu Quốc hội đã vượt qua cả tầm thời trang công sở, nhiều lúc cảm giác như đi dạ hội nhiều hơn là đi họp. Thậm chí, ngay phiên khai mạc đã "lôm côm". Đã là nội quy thì phải quy định cụ thể”- ông Thực thẳng thắn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn về quy định vắng mặt 3 ngày phải có văn bản trình bày lý do gửi trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng thư ký kỳ họp để Chủ tịch Quốc hội quyết định.

“Có kỳ họp ngắn như kỳ họp đầu và kỳ bất thường chỉ khoảng 1 tuần, kỳ bất thường giải quyết một vấn đề cấp bách thì quy định cứng 3 ngày là không phù hợp. Chỉ nên quy định tỷ lệ số ngày nghỉ/số ngày làm việc thôi. Hơn nữa, căn cứ vào đâu để xác định 3 ngày? Đối với kỳ bình thường thì nghỉ 3 ngày sẽ có rất nhiều đại biểu Quốc hội được nghỉ phép”- ông Minh bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) khẳng định: Việc buộc đại biểu Quốc hội phải báo cáo để được nghỉ họp là thừa vì 75% đại biểu Quốc hội hiện nay kiêm nhiệm, phải thực hiện nhiệm vụ điều hành nền kinh tế còn quan trọng hơn cả nội dung của kỳ họp Quốc hội.

“Chỉ cần báo cáo trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thôi, vì các đại biểu đều ý thức được trách nhiệm, chứ không nên biến Quốc hội thành “nhà trẻ”. Chỉ khi nào 100% đại biểu chuyên trách mới quy định được như vậy”- ông Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Trí Dũng (Trà Vinh) lại bày tỏ lo lắng khi kỳ họp Quốc hội diễn ra quá dài, tới 30-40 ngày. “Tại sao không họp một năm 2 kỳ, mỗi kỳ 20 ngày thôi. 20 ngày là điều kiện để các đại biểu kiêm nhiệm còn tập trung cho công việc khác được. Không ai muốn vắng họp cả, khi vắng họp đều có việc riêng. Đại biểu ở Hà Nội còn vòng về giải quyết việc, còn chúng tôi ở tận trong nam thì nghỉ ở đây 2-3 ngày đi chơi à ?”- ông Dũng nêu thực tế và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu lâu dài, thuyết phục hơn về vấn đề này.

Thế Kha

 

Đề xuất “siết” phát ngôn của đại biểu Quốc hội - 2