Đề xuất quy định chặt các hoạt động lấn biển làm dự án

Thế Kha

(Dân trí) - Bên cạnh các lợi ích, hoạt động lấn biển cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết và nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, chỗ ở, sinh kế của người dân.

Theo hồ sơ xây dựng Nghị định quy định lấn biển vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương phục vụ phát triển bền vững.

Nhiều bất cập trong lấn biển

Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang được thực hiện ở các quy mô khác nhau tại nhiều địa phương để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329 ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy - Quảng Ninh) rộng 224 ha; Khu đô thị thương mại Halong Marina rộng 230ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210 ha; Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang New Town rộng 117 ha (Đà Nẵng); Dự án Saigon Sunbay hơn 600 ha (Cần Giờ, TPHCM); Khu đô thị thương mại Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420 ha…

Đề xuất quy định chặt các hoạt động lấn biển làm dự án - 1

Phối cảnh dự án Halong Marina.

"Bên cạnh các lợi ích thu được, hoạt động lấn biển cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết và nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, chỗ ở, sinh kế của người dân ven biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cả trước mắt và lâu dài"- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Quy định của pháp luật hiện hành đã đề cập vấn đề lấn biển và quy định giao khu vực biển để thực hiện lấn biển. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển, đặc biệt là chưa rõ chế độ quản lý, sử dụng đất lấn biển…

Thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có phản ánh, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện các dự án đầu tư lấn biển. Pháp luật đất đai chưa có quy định cụ thể về việc xác định tiền sử dụng đất đối với trường hợp vừa nộp tiền giao khu vực biển đồng thời nộp tiền sử dụng đất sau khi đã đầu tư lấn biển, sẽ rất khó khăn trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư.

"Việc thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau dẫn đến chậm trễ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư"- tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu thực tế.

Thẩm quyền giao khu vực biển

Dự thảo nghị định khẳng định, việc lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan.

Dự án lấn biển phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ thực hiện lấn biển khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển.

Về thẩm quyền, dự thảo đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển để lấn biển đối với dự án lấn biển thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

UBND cấp tỉnh quyết định giao khu vực biển để lấn biển không thuộc trường hợp trên. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giao khu vực biển để lấn biển thì có thẩm quyền cho phép gia hạn, điều chỉnh và thu hồi quyết định giao khu vực biển để lấn biển.

Sau khi hoàn thành lấn biển tạo mặt bằng quỹ đất, nhà đầu tư dự án lấn biển có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo Sở Xây dựng nơi có dự án đầu tư lấn biển để được kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình lấn biển của chủ đầu tư và nhà thầu. Trình tự, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình lấn biển theo quy định của pháp luật xây dựng.

Căn cứ thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình lấn biển của Sở Xây dựng, nhà đầu tư dự án lấn biển lập hồ sơ quyết toán chi phí đầu tư lấn biển gửi Sở Tài chính nơi có dự án lấn biển để được để quyết toán chi phí đầu tư lấn biển.

Đề xuất quy định chặt các hoạt động lấn biển làm dự án - 2

Phối cảnh Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng.

2 vấn đề còn nhiều tranh cãi

Trong dự thảo tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có 2 vấn đề Chính phủ xin ý kiến.

Thứ nhất về thời điểm giao đất, cho thuê đất đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc giao đất, cho thuê đất sau khi giao khu vực biển và theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ tháo gỡ vướng mắc hiện nay, sớm đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư thực hiện các dự án.

Trường hợp giao đất, cho thuê đất sau khi hoàn thành nghiệm thu lấn biển thì hiện nay đã có quy định tại Nghị định số 11/2021, điều này sẽ tiếp tục khó khăn, vướng mắc cho việc thực hiện các dự án lấn biển như các địa phương, doanh nghiệp phản ánh thời gian qua; kéo dài thời gian được giao đất, cho thuê đất, làm tăng chi phí tuân thủ. Đồng thời gây khó khăn và tạo gánh nặng cho nhà đầu tư khi phải bỏ ra một số vốn lớn để san lấp biển nhưng thời gian này nhà đầu tư chưa có quyền lợi gì; không thu hút được đầu tư các dự án lấn biển…

Thứ hai về khấu trừ chi phí lấn biển, dự thảo nghị định đang theo hướng nhà đầu tư dự án lấn biển được khấu trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng không nên khấu trừ chi phí lấn biển, việc lấn biển là việc nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán khi quyết định đầu tư dự án lấn biển. Hơn nữa việc khấu trừ chi phí lấn biển thực chất đã được tính toán trong phương pháp thặng dư theo quy định của pháp luật đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị có khấu trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Việc này tương tự như quy định không tính chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp biển trong giá đất hiện nay vào tổng chi phí phát triển giả định khi định giá đất.

"Trường hợp không khấu trừ chi phí lấn biển thì sẽ không thu hút đầu tư thực hiện các dự án đầu tư lấn biển do nhà đầu tư vừa phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vừa phải đầu tư chi phí san lấp biển để được sử dụng đất"- Bộ này phân tích.