Đề xuất mới về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
(Dân trí) - Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất quy định "Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn".
Hồ sơ dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Bộ Tư pháp công bố có quy định đáng chú ý tại Điều 30 về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Theo dự thảo, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi tắt là doanh nghiệp) thực hiện giải thể, phá sản theo Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn theo quy định thì được miễn số tiền đó.
"Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện vẫn còn khả năng đóng kinh phí công đoàn thì thực hiện truy đóng và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật", dự thảo nêu.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng cũng được giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
"Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của điều này", dự thảo luật đề xuất.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan soạn thảo) cho biết những đề xuất nêu trên được đưa ra sau khi cơ quan này tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Giảm kinh phí công đoàn tác động trực tiếp đến việc điều tiết của Tổng Liên đoàn, ảnh hưởng đến của các địa phương, đơn vị trong hệ thống công.
Thực tế, giai đoạn vừa qua Tổng Liên đoàn đã ban hành và triển khai trên 18 chính sách, các gói hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ bằng tiền, hiện vật cho đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tổng chi hỗ trợ năm 2020 và năm 2021 trên 5.868 tỷ đồng.
"Do vậy, đề xuất Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn về vấn đề này bảo đảm phù hợp với tình hình tài chính công đoàn và thực tiễn hoạt động công đoàn", cơ quan này nêu rõ.
2 phương án phân phối kinh phí công đoàn
Tại dự thảo luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án thực hiện việc phân phối kinh phí công đoàn.
Phương án 1, (theo dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8): "Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn".
Phương án 2, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn bỏ cụm từ "sau khi thống nhất với Chính phủ" và chỉnh sửa như sau: "Trên cơ sở định mức, chế độ do Nhà nước quy định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động công đoàn; đáp ứng yêu cầu quản lý trong hệ thống tổ chức công đoàn".
Tổng Liên đoàn đề nghị Chính phủ thống nhất phương án 2 nhằm kế thừa tính ổn định, chủ động của tổ chức công đoàn từ khi có Luật Công đoàn 1957 đến nay; đồng thời đáp ứng được tính kịp thời chăm lo cho người lao động ở cấp cơ sở khi người lao động gặp những tình huống khó khăn do tranh chấp lao động, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
"Việc quy định phải "thống nhất với Chính phủ" có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tình huống bất khả kháng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với người lao động", cơ quan soạn thảo phân tích.
Hơn nữa, theo Tổng Liên đoàn, việc giao quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong công tác tài chính hoàn toàn phù hợp với định hướng chỉ đạo chung của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội về đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách triệt để thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.