1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giải trình về kinh phí, tài chính công đoàn

Bạch Huy Thanh Lê Hoa

(Dân trí) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề về mức kinh phí 2%, tài chính công đoàn.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Nhiều đại biểu ủng hộ nên duy trì kinh phí công đoàn 2%

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với việc duy trì kinh phí công đoàn 2%.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp công đoàn xây dựng đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động; tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa công đoàn và người lao động ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giải trình về kinh phí, tài chính công đoàn - 1

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu thảo luận (Ảnh: Phạm Thắng).

Về vấn đề này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng đồng tình việc duy trì kinh phí công đoàn để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ khi 1957 có Luật Công đoàn đến nay.

Theo ông, nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao. Việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như quy định trong dự thảo luật là hết sức cần thiết.

Chính phủ, Tổng Liên đoàn sẽ có hướng dẫn cụ thể

Phát biểu giải trình, làm rõ về kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Trong quá trình soạn thảo cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến liên quan về kinh phí công đoàn.

Theo ông Khang, kinh phí công đoàn được để lại tại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động.

"Thực tế rất hoan nghênh nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động", ông Khang nói.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giải trình về kinh phí, tài chính công đoàn - 2

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông cũng cho hay những vấn đề về doanh nghiệp gặp khó khăn thì Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế tại Điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn 2012 đó là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Về vấn đề tài chính công đoàn, ông Khang cho biết bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo hướng không quy định trong luật việc phân chia kinh phí công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhằm bảo đảm bảo tính linh hoạt, hài hòa.

Theo ông, đối với nội dung này cơ quan soạn thảo đồng tình với đề xuất dự thảo luật chỉ mang tính nguyên tắc, việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện.