Đề xuất mở rộng danh sách thành phố được thí điểm phát triển kinh tế đêm

Hoài Thu

(Dân trí) - Mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm, có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm… là một trong những đề xuất được đưa ra nhằm phục hồi, phát triển du lịch.

Sáng 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo người đứng đầu Chính phủ, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, cũng là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Cho biết du lịch Việt Nam 10 tháng qua có khởi sắc khi đạt hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 99 triệu lượt khách nội địa, song Thủ tướng đưa ra so sánh lượng khách quốc tế mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch).

Đề xuất mở rộng danh sách thành phố được thí điểm phát triển kinh tế đêm - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, Thủ tướng cho rằng du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá.

Báo cáo thêm về hoạt động du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong nhiều nguyên nhân chỉ ra, ông Hùng cho biết có phần do công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… "Việc này làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam", theo ông Hùng.

Bộ trưởng Văn hóa cũng đề xuất hàng loạt giải pháp để tạo đột phá trong phục hồi, phát triển du lịch, như  đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.

Bên cạnh đó, ông đề nghị mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...

Đề xuất mở rộng danh sách thành phố được thí điểm phát triển kinh tế đêm - 2

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Bộ Văn hóa cũng kiến nghị thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ Văn hóa đề xuất sớm thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới, giúp các doanh nghiệp du lịch giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, Bộ này đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế VAT thêm 12-24 tháng, hoãn thời gian nộp tiền thuê đất; xem xét giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch theo nguyên tắc lãi suất cho vay không cao quá 3% so với lãi suất gửi; nới lỏng quy định cho vay của ngân hàng thương mại cho các khoản vay vốn lưu động và gia hạn khoản vay bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19…

Mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm cũng là một đề xuất quan trọng được Bộ trưởng Văn hóa đề cập. Theo ông Hùng, các cơ quan cần nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch gắn với công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Trong giải pháp đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch, Bộ trưởng Văn hóa đề nghị tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực...