1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất giám sát tái cơ cấu các tập đoàn

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất tổ chức chuyên đề giám sát về tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước, ngân hàng thay cho nội dung giám sát việc đầu tư sân bay, cảng biển. Bô xít Tân Rai, Nhân Cơ cũng được nhắm đến.

Bàn về chương trình giám sát tối cao năm 2014 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (9/4), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến đầu tháng 4/2013, đã có 64 cơ quan kiến nghị 205 nội dung cần giám sát trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2014.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội giám sát về nội dung công tác quy hoạch sử dụng đất, thủy điện; tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như điện lực, dự án bô xít.

Nhóm vấn đề thứ hai nhận được nhiều đề nghị là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp... Nổi trong nhóm này là các ý kiến về xử lý, khắc phục nợ xấu của ngân hàng, công tác quản lý giá và thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Phiên họp thứ 17 của UB Thường vụ QH bắt đầu từ hôm nay, 9/4.
Phiên họp thứ 17 của UB Thường vụ QH bắt đầu từ hôm nay, 9/4.

Việc thực hiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; bổ nhiệm, biên chế, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực ban hành chính sách của các cơ quan nhà nước; công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác xét xử, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống tham nhũng.

Qua tổng hợp ý kiến, Văn phòng Quốc hội đề nghị tại kỳ họp tháng 5/2014 sẽ lựa chọn một trong hai nội dung để giám sát tối cao là công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương (giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện) và việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ điện (giao Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường chủ trì thực hiện).

Kiến nghị 2 chuyên đề khác cho kỳ họp cuối năm, Văn phòng Quốc hội cho rằng nên tập trung vào vấn đề hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án Tân Rai và Nhân cơ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Và việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Ở cấp hoạt động của UB Thường vụ, Văn phòng đề xuất 4 chuyên đề cho chương trình giám sát năm sau.

Đầu tiên là việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt. Thứ 2 là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chuyên đề thứ ba tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006-2013 là chuyên đề thứ tư.

Phiên thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau trong chính các thành viên UB Thường vụ Quốc hội về tính cấp thiết, quan trọng, thiết thực của các vấn đề lựa chọn để giám sát.

Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng gợi ý còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải giám sát như than thở bức xúc đối với thủy điện của lãnh đạo Đà Nẵng, lo lắng về biến đối khí hậu ở ĐBSCL. Thường trực ủy ban này cũng dự kiến tổ chức 1 phiên điều trần với các bộ ngành về vấn đề đầu tư, quy hoạch thủy điện. Vì vậy, theo Chủ nhiệm Dũng, đây là nội dung cấp thiết cần giám sát trong thời gian tới.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác. Cụ thể, theo ông Giàu, thủy điện chỉ là một phần trong chính sách phát triển năng lượng. Giám sát, chỉ ra thực trạng của vấn đề này có thể tạo hiệu ứng tốt là làm yên tâm dư luận nhưng phần về giải pháp hậu giám sát sẽ “tắc”, gần như không biết phải giải quyết gì. Ông Giàu đề xuất giám sát chính sách pháp luật phát triển năng lượng bền vững để đánh giá cả chiến lược, khả năng phát triển những nguồn điện mới sẽ hiệu quả, thiết thực hơn.

Ông Giàu cũng mạnh dạn đề nghị nếu chuyên đề giám sát dự án bô xít ở Tân Rai, Nhân Cơ không được Quốc hội chọn thì chuyển sang làm chương trình hoạt động ở cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Kinh tế.

Nhấn mạnh việc tái cấu trúc các tập đoàn và ngân hàng thương mại được nhân dân rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị nên chọn các vấn đề này để giám sát, đặt trong việc tổ chức thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giám sát của Quốc hội phải ở tầm vĩ mô hơn, còn chuyên đề sân bay cảng biển thì nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm. Ví dụ cụ thể, ông Hùng cho rằng, vấn đề thủy điện nên giao cho Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường thực hiện là được.

“Năm 2014 nên chọn hai chủ đề lớn là tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế để phát triển bền vững và chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu thiên niên kỷ” - ông Hùng gợi ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chốt lại, sẽ giới thiệu 3 vấn đề để các đại biểu Quốc hội lựa chọn cho chương trình giám sát tối cao năm tới. Đó là việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện. Chính sách giảm nghèo bền vững và chủ đề tái cấu trúc nền kinh tế (với trọng tâm là tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc hệ thống ngân hàng).

Trong phạm vi hoạt động của UB Thường vụ Quốc hội, có thể chọn giám sát các vấn đề về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc giám sát về hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ.

P.Thảo