Đề xuất "cơ chế xử lý riêng" với tội phạm tham nhũng trong những đại án

(Dân trí) - Cử tri tỉnh Đồng Nai đề xuất "cơ chế xử lý riêng" đối với những tội phạm tham nhũng của những vụ án lớn (đại án) nhằm răn đe và tạo lòng tin của Nhân dân.

co che rieng voi dai an tham nhung.jpg

Sáng 8/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ đại án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ - Ethanol Phú Thọ (Ảnh minh họa: TTXVN).

Cử tri tỉnh Đồng Nai bức xúc vì trong thời gian qua, mặc dù có rất nhiều ý kiến của Nhân dân và cử tri cả nước về việc cần xử lý hình sự thật nặng đối với tội phạm tham nhũng nhưng các hình thức xử lý chưa được thỏa đáng.

Từ đó, cử tri địa phương này kiến nghị đối với những tội phạm tham nhũng của những vụ án lớn (đại án) cần phải có cơ chế xử lý riêng nhằm răn đe và tạo lòng tin của Nhân dân.

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, Thanh tra Chính phủ cho rằng, pháp luật về phòng chống tham nhũng đã có quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng. Tại Điều 92 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Người bị kết án về tội tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ngoài ra, luật còn quy định xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng như: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; về nghĩa vụ trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm,…

Riêng đối với hành vi tham nhũng, ngoài Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về các tội phạm tham nhũng (Từ điều 353 đến điều359).

"Việc xử lý đối với các hành vi này theo quy định pháp luật hiện hành là rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm. Một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình"- Thanh tra Chính phủ cho hay.

Đề xuất cơ chế xử lý riêng với tội phạm tham nhũng trong những đại án - 2
Cuối năm 2019, gia đình cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp đủ 3 triệu USD (tương đương 66 tỉ đồng) tiền mặt để khắc phục hậu quả đối với tội nhận hối lộ (Ảnh: Tiến Nguyên).

Sẽ có Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Trong khi đó, trả lời cử tri tỉnh Long An, Hải Phòng, Đắk Lắk và Bạc Liêu, Thanh tra Chính phủ khẳng định trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hòa tài sản tham nhũng. Khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Coi việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng.

"Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đạt năm sao cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay. Việc thu hồi tài sản còn chậm, tỷ lệ thấp so với số tài sản bị thất thoát"- Thanh tra Chính phủ trả nêu thực tế.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… Trong một số vụ án vẫn xảy ra tình trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, Thanh tra Chính phủ cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác phòng chống tham nhũng và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt. Kiện toàn, củng cố đội ngũ thi hành án dân sự, xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng.

Đặc biệt, phải có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế dùng tiền mặt trong việc giao dịch, mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận lợi trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán…

"Hiện Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, dự kiến tháng 9/2021 trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng"- Thanh tra Chính phủ cho biết.

Đề xuất cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng

Trước việc cử tri TPHCM kiến nghị nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết hiện nay Việt Nam đang đi theo mô hình đa cơ quan trong phòng chống tham nhũng để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp cũng như để tạo thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đây là mô hình có sự kế thừa, chọn lọc và áp dụng kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi áp dụng vào Việt Nam, mô hình này cho thấy sự phù hợp, nhất quán với nguyên tắc tổ chức của hệ thống chính trị và điều kiện, hoàn của Việt Nam hiện nay.

Minh chứng cụ thể là kết quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kế quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Tuy nhiên việc nghiên cứu, hoàn thiện mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng được Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được quan tâm.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã ban hành quyết định số 6/2017 thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng", đến nay đề án đã được xây dựng và đang lấy ý kiến đối với dự thảo đề án để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, kết luận.