Tội phạm tham nhũng hứa nộp 800 tỷ nhưng sau buổi gặp vợ, luật sư là… "xù"
(Dân trí) - Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí kể, đối tượng tham nhũng đã hứa nộp lại 500 tỷ, bị can khác đồng ý khắc phục 800 tỷ, nhưng sau 1 lần được gặp vợ và luật sư, cả 2 thay đổi lời khai quyết liệt…
Thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề nổi lên trong phiên thảo luận, đánh giá nhiệm kỳ công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 12/1/2021.
Tài sản tham nhũng thu hồi được tương đương mức đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí có một nội dung riêng về công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó việc tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Ngành đã đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ thu hồi tài sản; chỉ tiêu ban hành yêu cầu điều tra, xác minh về tài sản; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan truy nguyên dòng tiền, tài sản bị tẩu tán, chuyển dịch ngay từ khi thụ lý nguồn tin về tội phạm; vận động, động viên, thuyết phục các đối tượng phạm tội và người thân tự nguyện giao nộp, khắc phục thiệt hại.
Lãnh đạo ngành kiểm sát cũng yêu cầu chú trọng thanh tra, kiểm tra các vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính, Thành ủy, Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.
Theo đó, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt 53,9% trong đó tỷ lệ thu hồi năm sau tăng so với năm trước. Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh ý nghĩa con số 80.000 tỷ đồng thu hồi được. Ông so sánh, dự án cao tốc Bắc - Nam cần kíp vậy mà khó khăn lắm cả nước mới thu xếp được 79.000 tỷ để đầu tư, thực hiện. 80.000 tỷ đồng thu hồi được, theo đó, là khoản quý giá để bù đắp.
Trao đổi lại ý kiến nêu ra, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, số lượng tài sản tham nhũng thu hồi được lớn, vượt trội là thông tin rất được dư luận quan tâm. Ông cho biết, các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đã được áp dụng triệt để để thu hồi được con số 80.000 tỷ đồng này, theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều người trẻ sở hữu tài sản nghìn tỷ, nghi ngờ mà không "động" được
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng nhấn mạnh, đây là kết quả khi các cơ quan tư pháp quán triệt thực hiện tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong suốt nhiệm kỳ vừa qua là chú trọng việc thu hồi tài sản khi xử lý, giải quyết án.
Ở khía cạnh khác, ông Trí trình bày, đã một vài lần báo cáo trước Quốc hội, trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, cần xây dựng luật Đăng ký tài sản để chặn đường "tẩu tán" của đối tượng tham nhũng. Thực tế, hiện tại, quy định về việc kê khai tài sản mới áp dụng trong cán bộ, Đảng viên nhưng rõ ràng, những đối tượng này không bao giờ trực tiếp đứng tên sở hữu tài sản mà "toàn nhờ người xã hội".
"Thực tế giờ có rất nhiều người ít tuổi mà sở hữu tài sản "khủng", lên tới hàng nghìn tỷ đồng, không giải thích được nguồn gốc. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý, dù có nghi ngờ cũng không "động" được vì đụng đến quyền tài sản, quyền công dân. Khi có luật Đăng ký tài sản thì những trường hợp "gửi gắm" cũng không thể nào mua, đăng ký sở hữu tài sản như vậy được, chặn được một hướng "trú ngụ" của tội phạm tham nhũng" - ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nêu con số, nhiệm kỳ trước, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt mức 5-10%, trong nhiệm kỳ này đã tăng dần, đến giờ đã được hơn 50% nhưng sẽ không thể tăng đến 100% được, nhất định phải có biện pháp hỗ trợ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trí phân tích, trong quy trình tố tụng, luật sư là chế định góp phần bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, hoạt động của luật sư cũng có đặc thù là phải bảo vệ thân chủ và ở mặc khác, việc này bao gồm cả ý cản trở quá trình điều tra, chứng minh tội phạm và cả việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn chứng, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo, quá trình điều tra, đấu tranh, đối tượng đã đồng ý khắc phục hậu quả 800 tỷ. Nhưng sau đó, khi luật sư vào cuộc, qua 1 buổi làm việc với thân chủ, đối tượng "tịt" luôn, không bao giờ nói tới chuyện này nữa, vì được luật sư phân tích, phải chứng minh nguồn gốc số tiền để nộp, chỉ càng giúp chứng minh hành vi tham nhũng, sẽ nặng tội hơn.
Chưa hết, một "đại án" khác, bị can hứa nộp 500 tỷ nhưng sau đó, 1 lần được gặp vợ thì người này cũng thay đổi lời khai quyết liệt.
"Rõ ràng trước đó nếu không có 500 tỷ thì tôi khẳng định người này không hứa nộp 500 tỷ như vậy đâu. Nhưng thực tế rất khó khăn" - Viện trưởng VKSND Tối cao tiếc nuối.