Đề xuất cho CQĐT áp dụng biện pháp khẩn cấp phong tỏa tài sản tham nhũng
(Dân trí) - Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn xác minh vụ việc.
Hàng loạt kiến nghị nhằm thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp trong báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Qua công tác giám sát, MTTQ Việt Nam đánh giá việc thu hồi tài sản đạt nhiều kết quả tích cực song còn nhiều mặt hạn chế. Điển hình là khối lượng tài sản phải thu hồi trong các vụ án rất lớn nhưng tới thời điểm giải quyết, tài sản phải thu hồi còn lại rất ít hoặc không còn để đảm bảo thu hồi. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản còn thấp.
Khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản
Từ thực tế sau giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo tháo gỡ "nút thắt" trong các giai đoạn giải quyết, thu hồi tài sản.
Về mặt chính sách pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản, tạm thời kê biên tài sản/phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong một thời hạn cụ thể, trước khi áp dụng các quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cơ quan này cũng kiến nghị thể chế hóa các quy định của Đảng về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; có quy định hạn chế hình thức sử dụng tiền mặt và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Đáng lưu ý, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị bổ sung cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra.
Ngoài ra, theo MTTQ Việt Nam, cần có sự phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế để xác minh, truy tìm tài sản, thực hiện việc tương trợ tư pháp về hình sự đối với tài sản, tài khoản người phạm tội tẩu tán ra nước ngoài.
Với Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị xem xét, nghiên cứu cơ chế khởi kiện đối với cá nhân, tổ chức gây ra thất thoát, thiệt hại tài sản đối với Nhà nước để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cơ quan này đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư, phòng chống tham nhũng theo hướng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư bất động sản ra nước ngoài. "Việc kiểm soát đầu tư ra nước ngoài cần được thực hiện đối với người có chức vụ, quyền hạn và người thân của họ", theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
"Kẽ hở" để tẩu tán tài sản tham nhũng
Trước đó, qua công tác giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Một số vụ việc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn phải tiếp tục xác minh, truy tìm, áp dụng chưa kịp thời các biện pháp ngăn chặn như thu giữ, kê biên, phong tỏa tài sản thất thoát, dẫn tới kết quả thu hồi tài sản còn chưa cao.
Rất nhiều tài sản kê biên có tranh chấp về quyền sở hữu chung (giữa vợ/chồng/con/thân nhân người phạm tội; giữa các cổ đông trong công ty, doanh nghiệp...) nên thi hành án kéo dài.
Đến khi có tranh chấp về tài sản kê biên, việc giải quyết của tòa án lại chưa thống nhất, có nơi tòa án thụ lý, giải quyết tranh chấp. Thậm chí một số bản án do Tòa án chậm giải thích, cơ quan thi hành án đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhưng đến nay chưa nhận được trả lời, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Trần Thị Hiếu...
Theo báo cáo, kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chỉ đạt 32,53% so với tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định nguyên nhân của những hạn chế trên do pháp luật hiện hành có nhiều quy định còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, không thống nhất và khả thi, dẫn tới nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.
Pháp luật chưa có các biện pháp, hướng dẫn, quy định cụ thể truy tìm tài sản, xác định "đường đi" của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc.
Cơ quan này chỉ ra bất cập khi kê biên tài sản chỉ được áp dụng nếu đối tượng bị khởi tố bị can hoặc đưa ra xét xử. Còn trước đó, dù bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng không áp dụng. Đây là điều kiện để đối tượng vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản.
Cũng theo MTTQ Việt Nam, do chưa có cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như Luật Đăng ký tài sản nên việc kê khai tài sản cũng làm ảnh hưởng đến công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án.