Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 về tài nguyên nước

(Dân trí) - Tại cuộc họp về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và những năm tiếp theo mới đây, ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất hoàn thành việc đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét chủ trương sửa đổi Luật và đề nghị đưa Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bổ sung vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV, từ năm 2021 đến năm 2025.

Đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Nghiên cứu, đề xuất tăng cường các giải pháp về kinh tế nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường nguồn thu trong lĩnh vực tài nguyên nước và cơ chế đầu tư lại cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan rà soát các cơ chế liên quan đến kiểm soát ô nhiễm các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị…để thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách giải quyết tình trạng ô nhiễm trên các lưu vực sông.

Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 về tài nguyên nước - 1

Ông Hoàng Văn Bảy.

Ông Bảy cũng nêu rõ: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt liên quan đến hoạt động xả nước thải vào nguồn nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch tài nguyên nước, lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh hoạt động lập quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; tăng cường công tác quan trắc, giám sát; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông; xây dựng hệ thống thông tin thống nhất điều hành vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông…

Để triển khai những nhiệm vụ này, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép xây dựng đề án “Tăng cường quản trị tài nguyên nước”; cân đối, bổ sung kinh phí cho một số dự án ưu tiên thực hiện để đảm bảo tiến độ như Dự án "Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành"; Dự án "Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng Sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất".

Trong khi đó, báo cáo các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, ông Tống Ngọc Thanh- Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Trung tâm sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến công tác quy hoạch tài nguyên nước, điều tra, đánh giá, bảo vệ tài nguyên nước, quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước.

Đồng thời tập trung thực hiện các dự án, nhiệm vụ Chính phủ giao như: Dự án "Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước"; Dự án "Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam"; Dự án "Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực Thành phố Hà Nội, TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất"; Đề án "Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn II"…

Ngoài ra sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: Quy hoạch tài nguyên nước; Quan trắc quốc gia tài nguyên nước;… Rà soát, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như suy giảm môi trường nước và không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển KT-XH địa phương.

TK