1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

Đề nghị một cuộc cải cách giáo dục triệt để

(Dân trí) - "Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam ta bắt buộc phải có một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện" - Đây là kiến nghị của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhà giáo dục đầu ngành nước ta.

Khi Tổ quốc bị ngoại xâm chia cắt, bà dốc lòng dốc sức cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khi giang sơn quy về một mối, bà lại dành hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài.

 

Dù khi làm người đứng đầu ngành giáo dục & đào tạo hay lúc là một trong số những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, bà luôn trăn trở với sự nghiệp trồng người. Giờ đây dù tuổi đã cao, bà vẫn trực tiếp tham gia vào sự nghiệp giáo dục bằng cách đứng đầu đề tài khoa học Đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ. Có thể nói nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là tấm gương nữ trí thức tiêu biểu của thế kỉ XX đầy biến động. 

 

Chúng ta buộc phải thay đổi

 

Với tư cách một nhà giáo dục chuyên nghiệp, từ lâu gắn bó mật thiết với nền giáo dục đào tạo nước nhà, bà đánh giá như thế nào về giáo dục Việt Nam hiện nay?

 

Có thể nói giáo dục là đề tài luôn được quan tâm ở bất cứ thời điểm, giai đoạn nào và chưa lúc nào giáo dục đào tạo lại được nhân dân ta quan tâm nhiều như thời gian gần đây. Đã có rất nhiều ý kiến ở mọi diễn đàn từ các cuộc hội nghị, hội thảo cho đến nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến trong số đó thiếu thực tế, chưa đủ các luận cứ khoa học, mang nhiều cảm tính cá nhân và nhất là chưa đưa ra được những giải pháp khả thi nên chất lượng và tác dụng hạn chế.

 

Có phải vì lý do đó mà vừa qua, Chính phủ đã giao cho bà thành lập các nhóm độc lập nghiên cứu về giáo dục? 

 

Nói Chính phủ giao thì to tát quá và cũng không chính xác. Chúng tôi là nhóm nghiên cứu theo đặt hàng của Bộ Khoa học & Công nghệ. Nhóm của tôi gồm 15 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục như Trần Hồng Quân, Nguyễn Thị Tâm Đan, Nguyễn Minh Hiển, Chu Hảo, Đặng Quốc Bảo, Vũ Ngọc Hải, Phạm Phụ và có sự tham gia của nhiều cán bộ giáo dục có kinh nghiệm do tôi làm nhóm trưởng. Hiện nay đề tài đã hoàn thiện và đang chờ báo cáo nghiệm thu.

 

Tôi chưa bị "đứt tay" có thể vì tôi không tranh giành thành tích của ai và giả sử nếu có bị "đứt tay" tôi cũng không sợ vì tôi không làm điều gì vì lợi ích cho riêng mình.

Sau 2 năm thực hiện đề tài này, bà và các cộng sự đã rút ra những kết luận gì về giáo dục gần đây?

 

Sau khi nghiên cứu khá đầy đủ và toàn diện quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về giáo dục & đào tạo, thực trạng giáo dục hiện nay và so sánh nước ta với các nước trong khu vực cũng như nền giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới, chúng tôi đã đi đến một kiến nghị dứt khoát phải có một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng, cơ bản và toàn diện.

 

Vì sao lại có một kiến nghị dứt khoát như vậy? Phải chăng nền giáo dục của ta quá bí bách và bê trễ, thưa bà?

 

Nói về những khuyết điểm, thiếu sót của giáo dục nước ta thì nhiều và cũng đã có quá nhiều người nói rồi. Ở đây, tôi muốn nói rằng không chỉ vì giáo dục của ta có khiếm khuyết cần chấn chỉnh mà cùng với nó là những yêu cầu bức xúc của công cuộc CNH - HĐH buộc chúng ta phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

 

Nói cách khác, chúng ta không chỉ phải sửa chữa những sai lầm, thiếu sót mà phải nâng cao cái đã có, cái đang phù hợp nhưng có xu thế không còn phù hợp ở tương lai và có những cái mới cần phải bổ sung. Nhiệm vụ của giáo dục hiện không còn như trước đây mà nó hướng tới xây dựng và phát triển trong một thế giới liên tục biến đổi với sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt. Vì vậy, theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam ta bắt buộc phải có một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện.

 

Thành lập UB Cải cách giáo dục quốc gia

 

Thưa bà, xin cho được nói thật là ý tưởng về một cuộc cải cách giáo dục không phải là mới và nó đã được đề cập đến nhiều lần ở nhiều thời điểm. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì hình như các ý kiến vẫn mò mẫm, thiếu một chiến lược lâu dài. Ví dụ nếu cải cách giáo dục thì chúng ta đi theo hướng nào? Phải bắt đầu từ đâu chẳng hạn?

 

Đúng là có một thực trạng như thế và trong đề án của mình, chúng tôi cũng mới chỉ đặt vấn đề cần phải có một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện, triệt để. Để thực hiện điều này, chúng tôi vạch ra một số hướng cải cách để tham khảo về mục tiêu, cơ cấu hệ thống và một số giải pháp lớn, trong đó đề nghị thành lập một UB Cải cách giáo dục quốc gia. UB này có nhiệm vụ nghiên cứu tương đối toàn diện thực trạng giáo dục Việt Nam, so sánh với giáo dục thế giới, từ đó đặt ra các mục tiêu cũng như phương pháp thực hiện. Trong tình hình bức xúc hiện nay, sau một thời gian không dài lắm, UB đó phải tìm ra được hướng đi cụ thể cho công cuộc cải cách.

 

Mục tiêu thì như vậy nhưng bà có thấy là thực hiện được không hề dễ...?

 

Không phải không dễ mà khó, rất khó. Nhưng khó khăn đến mấy cũng phải làm bởi những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống nên chúng ta không còn con đường nào khác là phải có một cuộc cải cách giáo dục & đào tạo thực sự để có những chuyển biến mong muốn.

 

Khi trả lời chúng tôi, giáo sư Hồ Ngọc Đại và tiến sỹ Chu Hảo đều đánh giá cách làm giáo dục kiểu phong trào "Hai không, Bốn không..." hiện nay đang có xu hướng đi vào thất bại. Là nhà quản lý giáo dục nhiều năm, bằng kinh nghiệm của mình, bà có đồng ý với nhận xét trên?

 

Tôi cho rằng các phong trào vừa qua đã phát huy được một số tác dụng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách chữa cấp bách mang tính tức thời nên chỉ có tác dụng nhất định. Muốn chữa trị tận gốc, cần phải có một cuộc cải cách như đã nói ở trên.

 

Nhiều trí thức luôn giữ được phẩm tiết

 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn cho rằng chúng ta đang "loạn" giáo sư - tiến sĩ, "loạn" trường đại học và cái cần "loạn" là sự nổi dậy của tư duy giáo dục thì lại không có. Bà có đồng ý với ý kiến này?

 

Tôi đồng ý với quan điểm "cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục" nhưng trong trường hợp này tôi không thích chữ "loạn". Đúng là giáo dục có nhiều cái chưa được nhưng không có nghĩa là nó kém hơn so với các lĩnh vực khác. Nói cách khác, nó có tiêu cực nhưng không có nghĩa là tiêu cực nhất so với các ngành nghề khác. Do đó, chủ trương chống tiêu cực ở một việc nào đó trong riêng ngành giáo dục cũng là thiếu thực tê mà phải nói trách nhiệm của xã hội nữa . Nói tóm lại, tôi không thích chữ "loạn" cũng như không thích nói chữ "hèn" như trong một vài đánh giá về trí thức của ta gần đây.

 

Nói rằng "hèn" thì có thể hơi quá nhưng xu thời, khiếp nhược, a dua, cơ hội...?

 

Đúng là không ít trí thức ở thời điểm này, thời điểm khác có các biểu hiện đó nhưng cũng nhiều trí thức luôn giữ được phẩm tiết của mình. Theo tôi, trí thức Việt Nam chưa trở thành một tầng lớp đạt tới độ tinh hoa nhưng không phải không có trình độ, không biết tự trọng. Nguyên nhân bất cập có thể do khâu đào tạo, bồi dưỡng và một nguyên nhân quan trọng nữa là cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng trí thức nhiều nơi, nhiều lúc chưa đúng và chưa đầy đủ.   

 

Yêu cầu đánh giá đúng và đủ hết sức quan trọng nhưng có ý kiến cho rằng quan niệm trí thức trong Nghị quyết vừa đối tượng là những người có bằng cấp thì chưa "đúng" và "đủ". Bà thấy nhận xét này có thoả đáng?

 

Theo tôi, bằng cấp chỉ là cơ sở mà chưa nói lên gì nhiều vì trong thực tế, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của ta không có bằng cấp nhưng nhờ tự đọc, tự học mà trở nên uyên bác. Đối với cán bộ ở các bộ máy thì không nhất thiết phải là trí thức nhưng ở những vị trí cán bộ chủ chốt của Đảng dứt khoát phải có trí thức.

 

Tôi không sợ "đứt tay" khi dùng dao sắc

 

Muốn có trí thức đích thực thì cần phải biết trọng dụng đích thực. Nhưng về cách dùng người của ta hiện nay, Nhà báo Hữu Thọ có nói rằng "ai cũng muốn dùng dao sắc nhưng đều sợ đứt tay". Là chính khách chuyên nghiệp, bà đã bị "đứt tay" và có sợ điều này?

Tôi chưa bị "đứt tay" vì dao sắc nhưng cũng không sợ đứt tay nếu điều đó xảy ra.

 

Vì sao vậy, thưa bà?

 

Tôi chưa bị "đứt tay" có lẽ không phải vì tôi tài giỏi hơn họ mà bởi tôi thực tâm với họ, với công việc, với đất nước. Tôi cũng không nghĩ nhà quản lý cái gì cũng phải giỏi hơn anh em nhưng một nhà quản lý giỏi dứt khoát phải có cái tâm sáng, biết cảm hóa và biết công nhận anh em chứ tuyệt đối không được phủ nhận, tranh công của người khác. Khôn ngoan là biết dùng dao sắc nhưng không để đứt tay. Mà nếu  đã vì dân, vì nước, vì sự nghiệp chung có bị "đứt tay" thì cũng có làm sao.

 

Xin cám ơn bà! 

 

Bùi Hoàng Tám