1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giáo sư Tô Duy Hợp:

"Đừng biến bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí"

(Dân trí) - CNH-HĐH và xu thế hội nhập thế giới đã khiến nông thôn Việt Nam thay đổi một cách sâu sắc, nhanh chóng và toàn diện. Hàng loạt mối quan hệ cũ bị phá vỡ, quan hệ mới ra đời và cùng với nó là sự hiện diện của cả cái tốt và cái xấu…

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. TS Tô Duy Hợp - Nguyên Trưởng phòng Xã hội học nông thôn - Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam về các nội dung trên và đặc biệt là về chủ trương thí điểm để người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã.

Khoảng cách giàu nghèo tiềm ẩn nguy cơ

Là một trong số các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về nông thôn Việt Nam, theo ông điều lo ngại nhất hiện nay ở nông thôn là gì?

Tôi không nghĩ dùng từ "lo ngại" là đích đáng mà nên dùng từ nan giải, tức là khó giải. Hiện tại, rất nhiều vấn đề người dân không giải được vì không đủ tiềm lực về kinh tế, tri thức..., nhà quản lý cũng khó giải vì chưa đủ năng lực quản lý, điều hành.

Tôi đồng ý là dùng cụm từ "nan giải" chính xác hơn. Vậy hiện nay chúng ta đang vấp phải những vấn đề nan giải nào, thưa ông?

Thứ nhất, là khoảng cách giàu nghèo gia tăng một cách rõ rệt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ: Khoảng cách thành thị với thành thị, thành thị với nông thôn, nông thôn đồng bằng với nông thôn vùng sâu, vùng xa...

Thứ hai là nông dân thiếu việc làm lâm vào vòng luẩn quẩn: Vì nghèo, không được học hành nên không có việc làm có thu nhập cao, vì không có việc làm có thu nhập cao nên lại càng nghèo. Mặc dù chúng ta đã đạt dược nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nhưng so với đời sống của nông dân các nước trong khu vực, chúng ta vẫn còn thua kém nhiều. Đặc biệt là trong tình hình lạm phát cao như hiện nay, khoảng cách giàu nghèo lại càng gia tăng đáng kể.

Giáo dục mới chỉ đạt thành tích về số lượng

Tuy chưa được như mong muốn nhưng về giáo dục, người nông dân đã có những tiến bộ rõ rệt về dân trí, cụ thể như tỉ lệ mù chữ đã giảm xuống còn rất thấp, nhiều địa phương đã phổ cập trung học cơ sở…?

Nếu như nhìn vào các con số trong bản báo cáo thì điều đó đúng. Thế nhưng thực chất, giáo dục của ta mới chỉ đạt được về số lượng, còn chất lượng thì thấp, rất thấp.

Nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

Trước hết là nông thôn thiếu thầy giỏi. Thầy không giỏi thì khó có trò giỏi. Thứ đến điều kiện kinh tế và các phong tục tập quán. Tay nghề cũng rất thấp vì phương pháp học chủ yếu là truyền nghề qua kinh nghiệm. Do vậy, lực lượng lao động thu hút vào các khu công nghiệp chỉ là lao động giản đơn, thu nhập thấp.

Học lý luận suông chứ không học kỹ năng quản lý

Đi cùng với dân trí luôn luôn là văn hoá và các mối quan hệ xã hội. Ông đánh giá về hai vấn đề này như thế nào?

Về văn hóa, đang có nhiều biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội và số lượng tội phạm gia tăng, phong tục suy đồi, các lễ hội ít nhiều đều bị thương mại hóa. Về mâu thuẫn xã hội, do không ít các chính sách chưa hoặc không hợp lý, đặc biệt là các chính sách thiếu nhất quán về đất đai đã làm nảy sinh nhiều cuộc khiếu kiện nghiêm trọng. Các sự kiện ở Thái Bình năm 1997 và ở Đắc Lắc các năm 2001 - 2003 là những bằng chứng điển hình và điều lo ngại là vẫn chưa có hồi kết.

Về chính sách, chúng ta đã vấp phải không ít sự nóng vội nhưng không thể không nói đến năng lực quản lý non yếu ở cấp cơ sở...?

Đúng là như vậy. Năng lực quản lý của cán bộ cơ sở ở nông thôn nhìn chung là yếu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thì rất yếu. Nguyên nhân là do chúng ta thiếu trường lớp đào tạo, nhưng kể cả có trường lớp đào tạo thì lại không đi đúng hướng mà các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một ví dụ. Nếu xét về giáo trình, hình như các bài học ở đây đi sâu về lý luận chứ không phải học để quản lý, học để lĩnh hội chứ không phải học để thực hành, để làm việc.

Trong khi đó, yêu cầu đặt ra ở đây học là để quản lý, để làm việc, để thực hành. Do cách học xa rời thực tế nên hậu quả là những điều học trong trường rất khó áp dụng vào thực tiễn. Khâu đào tạo, bồi dưỡng thì như vậy nhưng khâu cất nhắc, đề bạt còn bất cập hơn.

Tư duy nhiệm kỳ và "hạ cánh an toàn"

Lại chuyện đề bạt cất nhắc. Ở đây có chuyện gì vậy, thưa ông?

Việc đề bạt, cất nhắc nhiều người nói và nói cũng nhiều rồi. Điều tôi cho là nguy hại nhất là xuất hiện "tư duy nhiệm kỳ" và thuyết "hạ cánh an toàn" ở các nhà quản lý. Nếu ở tư duy nhiệm kỳ là sự vơ vét trước khi kết thúc nhiệm kỳ của một số không ít quan chức thì sự nguy hại ở thuyết "hạ cánh an toàn" là vô trách nhiệm đối với dân, với nước. Khi có sự kết hợp giữa "tư duy vơ vét" và "thuyết án binh bất động" thì điều đó trở thành hành động nhẫn tâm đối với đất nước.

Xin khoanh vùng vấn đề này với nông thôn. Có lẽ để khắc phục những bất cập cho nên Chính phủ chủ trương thí điểm để người dân tự bầu chủ tịch xã. Theo ông, việc bầu người đứng đầu một đơn vị hành chính địa phương nên dựa vào mô hình nào?

Theo ý kiến của tôi, tuy còn một số khó khăn nhưng chúng ta nên cố gắng tổ chức bầu cử theo mô hình của các quốc gia dân chủ hiện đại. Nghĩa là duy trì hệ thống song trùng quyền lực để người dân trực tiếp bầu ra chủ tịch và hội đồng nhân dân xã. Cùng với nó cần phải có các chế tài tương ứng để hỗ trợ và điều chỉnh lẫn nhau.

Lo ngại sự can thiệp, áp đặt

"Điều tôi lo ngại nhất là sự can thiệp, áp đặt của tổ chức đảng cơ sở. Đã để người dân thực hiện dân chủ, nên thực sự tôn trọng dân chủ. Đừng biến việc bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí, dân chủ hình thức, dân chủ nửa vời; như thế không phù hợp với bản chất của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân."

 

GS Tô Duy Hợp

Việc bầu bán ở nông thôn, điều nhiều người lo ngại nhất là sự áp đặt của phe phái, dòng họ... Ông có lo ngại điều này?

Không. Điều tôi lo ngại nhất chính là sự can thiệp, áp đặt của tổ chức đảng cơ sở. Đã để người dân thực hiện dân chủ, nên thực sự tôn trọng dân chủ. Đừng biến việc bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí, dân chủ hình thức, dân chủ nửa vời ; như thế không phù hợp với bản chất của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân ,vì nhân dân.

Nhưng có ý kiến dân trí của ta còn thấp nên cần phải có sự hướng dẫn...?

Tôi không nghĩ trình độ của người dân bây giờ thua kém năm 1946. Nên nhớ khi đó, chính người dân đã trực tiếp bầu ra được một hệ thống quản lý nhà nước rất tinh xảo với những đại diện cũng rất tinh hoa. Mặt khác, sớm hay muộn chúng ta cũng phải đi trên con đường đó nên đi sớm ngày nào sẽ hay ngày ấy. Tuy nhiên, để thực hiện tốt bước khởi đầu này cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng và có khát vọng thực sự. Tôi xin nhấn mạnh là “thực sự”.

Nhiều trưởng thôn ngoài đảng hoạt động rất hiệu quả

Vì sao phải nhấn mạnh hai từ "thực sự" thưa ông?

Tôi nghĩ người dân không phân biệt, khinh - trọng với người trong tổ chức hay người ngoài tổ chức mà họ chỉ lựa chọn người nào thực sự vì dân, vì nước, tức là thực sự công minh, chính trực, hết lòng phục vụ và tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều trưởng thôn là người ngoài Đảng đã hoạt động thực sự hiệu quả vì tiếng nói và hành động của họ hợp lòng dân và hợp cả ý Đảng, tức là phù hợp với sự chỉ đạo sát đúng của cấp ủy cơ sở.

Sự thành công trông chờ rất lớn vào quá trình đề cử. Trường hợp tốt nhất là chủ trương của tổ chức hợp với lòng dân, nhưng nếu như điều đó không xảy ra, nghĩa là lòng dân không hợp với ý Đảng hay ngược lại thì nên xử lý như thế nào?

Điều này đã xảy ra không ít lần trong việc bầu trưởng thôn. Người chi ủy cử thì dân không bầu, người chi uỷ không cử thì dân lại bầu. Thậm chí nhiều nơi, người dân không bầu trưởng thôn là người nằm trong tổ chức đảng. Và tôi nhận thấy rất nhiều trưởng thôn ngoài đảng hoạt động hết sức hiệu quả. Họ năng động, vì dân thật sự nên được người dân ủng hộ và thực sự có tiếng nói. Đặc biệt là trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhất là với các phong trào như xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài.

Đẩy mạnh khuyến học khuyến tài ở vùng sâu, vùng xa

Ông đánh giá như thế nào về công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn?

Tôi cho rằng công cuộc này đã thu được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay và trong điều kiện dân trí của ta thì chặng đường tới sẽ rất khó khăn. Đã thấy xuất hiện sự ỉ lại, kể cả ỉ lại vào sự hỗ trợ của quốc tế ở một số địa phương; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông dân tộc thiểu số.

Còn phong trào khuyến học, khuyến tài?

Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy những đóng góp của hội khuyến học các cấp trong sự nghiệp nâng cao dân trí, khuyến học, khuyến tài đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa thời gian gần đây rắt hiệu quả, cần đẩy mạnh hơn nữa. Nhưng dù sao, hội khuyến học hoạt động chủ yếu thông qua vận động và các phong trào. Các chiến lược về giáo dục là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Tuy nhiên gần đây, ngành Giáo dục lại quá chú trọng, quá nhấn mạnh đến vai trò các phòng trào. Và đó là điều bất hợp lý.

Xin cám ơn ông!

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)