Đề nghị giữ nguyên bản án luật sư thắng kiện thân chủ 54 tỷ đồng
(Dân trí) - Hội Luật gia Việt Nam vừa kiến nghị Chánh án TAND Tối cao và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao rút Quyết định kháng nghị, giữ nguyên bản án có hiệu lực pháp luật số 87/2016/DS-PT ngày 6/5/2016 của TAND Cấp cao tại TPHCM buộc thân chủ phải trả cho luật gia Đặng Đình Thịnh hơn 54 tỷ đồng tiền hứa thưởng.
Trước đó, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 33/2017/KN-DS đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án số 87/2016 của TAND Cấp cao tại TPHCM về việc “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng” tuyên buộc bà Vương Thị Khanh (sống tại Mỹ) phải trả cho luật gia Đặng Đình Thịnh số tiền hơn 54 tỷ đồng.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc và đơn khiếu nại của luật gia Đặng Đình Thịnh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã ký văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để “bẻ gãy” các luận điểm trong Quyết định kháng nghị số 33/2017.
Thứ nhất, trong quyết định kháng nghị, TAND Tối cao đưa ra nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xem xét xác định có đúng bà Khanh, ông Quang ký các thỏa thuận nêu trên hay không, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào “Thỏa thuận hứa thưởng” ký ngày 28/11/2008 tại California – Hoa Kỳ, không được hợp pháp hóa lãnh sự để buộc bà Khanh, ông Quang trả cho ông Thịnh 54.676.300.000 đồng tương đương 35% giá trị nhà đất là không đúng quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011)”.
Nghiên cứu các tài liệu có liên quan, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng nhận định như vậy không có cơ sở. Lý do bởi tỏa thuận hứa thưởng ngày 28/11/2008 do bà Khanh, ông Quang ký trước mặt công chứng viên tại California - Hoa Kỳ là căn cứ xác lập các quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên liên quan đến việc sẽ trả phần thưởng sau khi đã thực hiện công việc được giao. Thỏa thuận này phù hợp với ý chí, nguyện vọng và mục đích của các bên, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Thỏa thuận hứa thưởng giữa bà Khanh và ông Thịnh tuân thủ các điều kiện về hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 121 Bộ luật Dân sự, do đó được pháp luật công nhận và các bên phải có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận đã ký.
Đây là thỏa thuận dân sự được xác lập một cách hợp pháp theo quy định của điều 124 Bộ luật dân sự 2005: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với những tài liệu do cá nhân ở nước ngoài lập và được công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn không phủ nhận các chữ ký và con dấu trên văn bản và không hề yêu cầu giám định chữ ký, con dấu trên văn bản thỏa thuận nên tòa án không trưng cầu giám định chứng cứ là đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011. Hai cấp tòa xét xử đã tiến hành đầy đủ các thủ tục để thu thập chứng cứ theo quy định tại điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ án.
“Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào thỏa thuận hứa thưởng ngày 28/11/2008 và các chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án buộc bà Khanh và ông Quang phải trả thưởng cho ông Thịnh là có cở sở và đúng quy định của pháp luật”- Hội Luật gia Việt Nam nhận định.
Thứ hai, quyết định kháng nghị của TAND Tối cao nhận định “trường hợp này cần hỏi ý kiến của 8 người con còn lại về việc đồng ý trả thưởng cho ông Thịnh như thế nào, từ đó mới đủ căn cứ giải quyết vụ án” cũng bị Hội Luật gia Việt Nam nhận định là không có cơ sở.
Thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án, các con bà Khanh cũng đã có ý kiến với tòa về việc trả thưởng cho luật gia Đặng Đình Thịnh. Con bà Khanh gồm: ông Nguyễn Đắc Ánh, Nguyễn Đắc Minh, Nguyễn Đắc Thắng đã có văn bản ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Bích Phượng thay mặt tham gia tố tụng tại Tòa án và có ý kiến về việc trả thưởng cho ông Thịnh.
Thứ ba, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng trong trường hợp này phải giải quyết đồng thời các quan hệ tranh chấp trong cùng một vụ án thì mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Tuy nhiên, Hội Luật gia Việt Nam đánh giá là không hợp lý và cũng không đúng theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2011.
Hai cấp tòa thụ lý giải quyết vụ án trong 5 năm và đã ban hành bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật công nhận quyền được nhận lợi ích vật chất từ hợp đồng hứa thưởng là phán quyết hợp tình, hợp lý, tạo tiền lệ tốt trong giao dịch dân sự về giao kết hứa thưởng. Bản án phúc thẩm nêu trên được nhiều cơ quan báo chí phản ảnh và nhận được sự đồng tình cao trong dư luận xã hội.
Hạn chế những việc làm mang tính chất bội tín, lật lọng
Hội Luật gia Việt Nam nhận thấy đối với tranh chấp dân sự, pháp luật luôn hướng đến việc bảo vệ quyền lợi chân chính của công dân và hạn chế những việc làm mang tính chất bội tín, lật lọng trong xã hội.
“Với vụ việc ông Đặng Đình Thịnh làm giúp cho bà Vương Thị Khanh, ông Thịnh đã bỏ ra nhiều công sức, trí lực, chi phí để đem lại quyền lợi cho gia đình bà. Việc làm của ông Thịnh được xem như cách đầu tư mạo hiểm, nếu khiếu nại không thành công thì ông Thịnh sẽ tốn thời gian, công sức, chi phí. Vì vậy việc ủng hộ ông Thịnh là thể hiện sự nhân văn và đúng quy định pháp luật”- văn bản của Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.
Hội Luật gia Việt Nam phân tích, pháp luật tố tụng dân sự quy định giám đốc thẩm hủy bản án chỉ khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Do đó nếu có một vài sai sót nhỏ trong quá trình xét xử mà không làm thay đổi bản chất vụ án thì không nên hủy án.
Chính vì thế, Hội Luật gia Việt Nam đã kiến nghị Chánh án TAND Tối cao và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét căn cứ theo Điều 335 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 rút Quyết định kháng nghị nêu trên, giữ nguyên bản án có hiệu lực pháp luật số 87/2016/DS-PT ngày 6/5/2016 của TAND Cấp cao tại TPHCM để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân và sự nghiêm minh của pháp luật.
Căn nhà số 446-448 đường Hồng Thập Tự, phường Phan Đình Phùng, quận 3 (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM) thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và bà Vương Thị Khanh, sau khi ra nước ngoài ủy quyền lại cho ông Phan Bình sử dụng. Năm 1999 UBND TPHCM xác lập quyền sở hữu nhà Nhà nước đối với căn nhà này vì cho rằng thuộc diện nhà vắng chủ. Năm 2004, ông Nguyễn Đắc Kha qua đời không để lại di chúc.
Bà Vương Thị Khanh về Việt Nam khiếu nại đòi lại nhà bị UBND TPHCM bác khiếu nại. Ngày 3/1/2007 bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Quang (con trai bà Khanh) đã ký hợp đồng hứa thưởng với luật gia Đặng Đình Thịnh, nội dung là ông Thịnh thay mặt bà Khanh khiếu nại xin hủy bỏ xác lập Nhà nước căn nhà nêu trên, sau khi hoàn thành công việc bà sẽ trả thưởng cho ông Thịnh 15% trên tổng giá trị nhà và đất mà ông Thịnh giúp bà đòi lại được. Sau đó bà Khanh nhiều lần thỏa thuận tăng mức phần thưởng cho ông Thịnh; đến ngày 28/11/2008 bà Khanh ký thỏa thuận hứa thưởng sẽ trả cho ông Thịnh 35% trên tổng giá trị nhà và đất được Nhà nước giao trả.
Năm 2011, sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại, bà Khanh được Nhà nước giao trả nhà, ông Thịnh liên hệ với bà Khanh và ông Quang đề nghị thực hiện thỏa thuận hứa thưởng đã ký nhưng bà Khanh với ông Quang đã trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ. Ông Đặng Đình Thịnh buộc phải khởi kiện bà Khanh và ông Quang ra toà.
Thế Kha