Đề nghị bổ sung quy định "thu hồi đất để phát triển du lịch, dịch vụ"
(Dân trí) - Phát triển du lịch, dịch vụ, theo đại biểu Quốc hội, cũng là phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị đưa đất phát triển khu du lịch vào trong trường hợp phải thu hồi đất.
Thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi chiều 3/11, nội dung bổ sung các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ nhắc đến Điều 79 trong dự thảo luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và đề nghị đưa đất phát triển khu du lịch dịch vụ vào trong trường hợp phải được thu hồi đất.
Ông phân tích đất du lịch có hai loại. Một là liên quan tài nguyên du lịch gồm danh lam thắng cảnh, đất rừng, nông thôn, di tích lịch sử… Hai là đất phục vụ cho hoạt động du lịch dịch vụ.
"Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược để phát triển kinh tế đất nước, động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác", ông Hạ dẫn chứng quy định của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Luật Du lịch cũng quy định chính sách về phát triển du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng những mức ưu đãi hỗ trợ đầu tư cao nhất; Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp có quy mô lớn...
Với việc dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa đề cập sâu lĩnh vực này, theo ông Hạ, là ứng xử với ngành kinh tế mũi nhọn chưa thỏa đáng.
Vì thế, ông cho rằng Điều 79 cần đưa vấn đề thu hồi đất để phát triển du lịch. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng đã có văn bản gửi cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra để kiến nghị về nội dung này, theo lời ông Hạ.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) ủng hộ việc thu hồi đất cho phát triển du lịch bởi đây là ngành kinh tế quan trọng đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia, đang và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
"Việc phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ không chỉ đem lại kinh tế mà còn góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng và điều tiết chênh lệch địa tô để thực hiện qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất", nữ đại biểu phân tích.
Phân tích rõ hơn tâm lý xã hội khi nói về quy định này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu thực tế mỗi khi nói đến tư nhân, lợi nhuận hay thương mại, nhiều người thường nghĩ đó là "trái lợi ích quốc gia, công cộng".
Từ chủ trương trong các nghị quyết của Trung ương và kế hoạch triển khai của Chính phủ, ông Lộc nhấn mạnh tất cả dự án của doanh nghiệp nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông qua chủ trương, đều là các dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
"Các doanh nghiệp trong quá trình vừa làm ra lợi nhuận cho mình, vừa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách và tăng trưởng", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam có trở thành một đất nước phát triển vào năm 2045 hay không tùy thuộc chủ yếu vào đội quân chủ lực và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cùng các dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Vị đại biểu vì thế đề nghị bổ sung trong luật các dự án đã được các cấp có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh, thành phố phê duyệt, vào diện để thu hồi.
Đại biểu Vi Đức Thọ (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La) đề nghị bổ sung thu hồi đất với dự án khu đô thị, vì việc phát triển và xây dựng các dự án khu đô thị giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển nhà ở.
"Nếu chỉ thu hồi đất cho dự án phát triển nhà ở thương mại sẽ không thể hiện được sự đồng bộ về kết cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như thay đổi diện mạo đô thị", theo ông Thọ.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu để hoàn thiện Dự thảo.
Liên quan đến Điều 79, được rất nhiều đại biểu đề cập, có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm thu hồi đất cho khu đô thị, phát triển du lịch, người đứng đầu cơ quan thẩm tra nói sẽ nghiên cứu, song phải bám vào quy định của Hiến pháp là "chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết".