Đề nghị bình ổn giá, tránh "tăng lương không theo kịp tăng giá"
(Dân trí) - Trước thực tế giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng, Ban Dân nguyện đề nghị có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa, tránh tăng lương không theo kịp tăng giá.
Vấn đề này được Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu ra tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/3, khi cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện tháng 2.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội.
Cử tri cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cử tri lo lắng khi gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết và bị thương nhiều người.
Tình hình ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội; tình trạng nắng nóng gay gắt kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng, thiếu nước sản xuất ở nhiều nơi; giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng… cũng là những vấn đề khiến cử tri lo lắng.
Đặc biệt, ông Bình phản ánh thực tế giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng; tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, không đủ cung cho các công trình trọng điểm quốc gia và nhu cầu xây dựng khác làm chi phí đầu tư tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, dự án; tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương diễn biến phức tạp.
Ban Dân nguyện đề nghị các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường.
Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo bộ ngành có liên quan có giải pháp cho khai thác mỏ tạo nguồn cung, hạ giá thành để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình xây dựng khác…
Báo cáo thêm về vấn đề "cát tặc", Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết trong 4 năm (từ 2020 đến 2023), lực lượng công an phát hiện hơn 21.371 vụ, khởi tố 299 vụ, 434 bị can.
"Bộ Công an đang tập trung rất quyết liệt khảo sát, đánh giá, tăng cường chỉ đạo công an các địa phương về nội dung này", ông Tỏ cho biết.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khi phát biểu kết luận đã lưu ý các vấn đề tăng lương không theo kịp tăng giá, hạn hán, thiếu nước.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần có các giải pháp cho khai thác mỏ, tạo nguồn cung, hạ giá thành vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Nhắc đến việc Bộ GTVT đề nghị sử dụng cát biển cho xây dựng sau khi thí điểm có hiệu quả ở ĐBSCL, ông Phương đề nghị khẩn trương mở rộng để giải quyết vấn đề cát cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Việc thiếu nguồn cung cát xây dựng cho các công trình trọng điểm xảy ra từ đầu năm 2023, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL.
Vừa qua, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành, báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông và Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức triển khai thí điểm chủ trương này.