1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Để Liên Kết Việt lừa 60.000 dân, chính quyền quá yếu và tắc trách!

(Dân trí) - “Khi vụ kinh doanh đa cấp, trái phép của Liên kết Việt bị phanh phui thì nạn nhân có đến gần 60.000 người và diễn ra ở 27 tỉnh. Điều đó cho thấy chính quyền địa phương không những yếu mà còn tắc trách. Vì mới chỉ một vụ việc đã khiến 60.000 người đồng nghĩa với 60.000 hộ gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Vậy thử hỏi bao nhiêu chương trình đề án của Chính phủ có thể bù đắp những mất mát của người dân?”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Mới chỉ một vụ việc đã khiến 60.000 người đồng nghĩa với 60.000 hộ gia đình rơi vào cảnh khốn đốn (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông Nguyễn Sỹ Cương: "Mới chỉ một vụ việc đã khiến 60.000 người đồng nghĩa với 60.000 hộ gia đình rơi vào cảnh khốn đốn" (Ảnh: Quochoi.vn)

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, ngày 1/4, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực tế, tội phạm và tệ nạn đang tràn về nông thôn, người dân ở nông thôn rất dễ bị lừa do cuộc sống còn nhiều khó khăn và trình độ dân trí còn nhiều hạn chế.

“Khi vụ kinh doanh đa cấp, trái phép của Liên kết Việt bị phanh phui thì nạn nhân của nó đến gần 60.000 người và diễn ra ở 27 tỉnh. Điều đó cho thấy chính quyền địa phương không những yếu mà còn tắc trách. Vì mới chỉ một vụ việc đã khiến 60.000 người đồng nghĩa với 60.000 hộ gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Vậy thử hỏi bao nhiêu chương trình đề án của Chính phủ có thể bù đắp những mất mát của người dân?”- ông Cương nói.

Đáng chú ý, những vụ việc lừa đảo đó lại diễn ra ở ngay những địa phương được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới, mà một trong những tiêu chí để được công nhận nông thôn mới là cán bộ xã đạt chuẩn, đảng bộ và chính quyền trong sạch, vững mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.

“Thật là nghịch lý. Đó là chưa kể nạn đa cấp vẫn đang hoành hành. Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang tràn lan. Tín dụng đen đang là những nguy cơ rình rập đối với người dân ở nông thôn” - vị đại biểu đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội bức xúc.


Lê Xuân Giang (mặc quân phục), người đứng đầu tập đoàn lừa đảo Liên Kết Việt.

Lê Xuân Giang (mặc quân phục), người đứng đầu "tập đoàn lừa đảo" Liên Kết Việt.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị tập trung đầu tư vào chỉ đạo điều hành ngành nông nghiệp và nông thôn. Từ thực tế cho thấy, nông nghiệp nước ta tuy không góp nhiều cho GDP nhưng lại vô cùng quan trọng vì lĩnh vực này có 67% dân số Việt Nam đang sống và lao động ngày đêm để nuôi sống 90 triệu dân, bà An cho rằng Chính phủ nên phân công một lãnh đạo chuyên phụ trách mảng này, vì “nông nghiệp nước ta ít nhất trong 20 năm tới vô cùng quan trọng”.

Về tổ chức nông nghiệp, bà An đề xuất nghiên cứu để ngành nông nghiệp đi lên bền vững, đảm bảo cho người dân Việt Nam có gạo sạch, thịt ngon, rau không độc hại để ăn.

“Nghiên cứu để triệt tiêu yếu tố phi thị trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, để người nông dân thu lại đúng giá trị một nắng hai sương của mình bỏ ra cho sản phẩm như lúa, ngô, khoai sắn, để không bao giờ bị ăn chặn ở giữa, đặc biệt trong yếu tố phi thị trường này như nhiều đại biểu nêu triệt tiêu để những người nông dân nghèo không mất nhà vì nạn buôn bán đa cấp cũng như tín dụng đen”- bà An mong mỏi.

Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) phản ánh, một số nơi do nôn nóng trong phát triển công nghiệp và muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, nhưng sau đó do thiếu vốn nên các dự án thực hiện cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành dự án treo. Người bị tịch thu đất mất việc làm dẫn đến lãng phí nguồn lao động và tài nguyên đất đai. Hơn nữa, việc chuyển đổi một số lượng lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn, nhất là tại các vùng trồng lúa có điều kiện canh tác tốt, thiếu cân nhắc đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, môi trường lâu dài đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của một bộ phận nông dân.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện đông người diễn ra trong một thời gian dài gây nên tình trạng mất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự và an toàn xã hội”- ông Phương nói.

Đưa ra chuyện tác động hạn, xâm nhập mặn đang có nguy cơ làm nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm và có ảnh hưởng đến nông nghiệp tại các vùng khác như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) khẳng định, dự báo hệ thống ngắn hạn về khí hậu, thời tiết của chúng ta chưa đáp ứng kịp thời và các phối hợp liên ngành trong lĩnh vực thông tin, ứng phó còn kém.

Vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan mật thiết đến quá trình sử dụng tài nguyên nước của sông Mê Kông, trong đó điều tiết của các nước khu vực thượng lưu đều có tác động sâu sắc đến hạ lưu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến nay các giải pháp phối hợp liên quốc gia, thậm chí thông tin cũng rất rời rạc.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần kiên trì và kiên quyết thương thảo đấu tranh với các nước dùng chung tài nguyên sông Mê Kông thông qua nhiều hình thức nhằm đạt được các quy tắc sử dụng nước lưu vực liên quốc gia, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa là cơ sở vững chắc cho việc dự báo và đề xuất các ứng phó và điều chỉnh các quy hoạch cần thiết”- đại biểu Lê Công Đỉnh kiến nghị.

“Mong muốn Quốc hội có những tuyên bố rõ ràng về Biển Đông”

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết, vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, thể hiện sự lo lắng, bất bình là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái pháp luật, trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta; hành hung, cướp tài sản, ngư cụ của ngư dân, làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Quốc hội có những tuyên bố rõ ràng về Biển Đông (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Quốc hội có những tuyên bố rõ ràng về Biển Đông (Ảnh: Quochoi.vn).

“Báo cáo đánh giá của Chính phủ có nêu, quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo tôi đánh giá như thế là đúng mức. Tuy nhiên, trước tình hình ở Biển Đông như tôi đã nêu trên, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước cần có các giải pháp kiên quyết đồng bộ và hiệu quả hơn, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ ngư dân”- bà Phúc nói.

Vị đại biểu Bình Thuận mong muốn Quốc hội có những tuyên bố rõ ràng về biển Đông; đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm đúng mức đến các giải pháp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, đánh giá cụ thể việc triển khai chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư khắc phục tình trạng xâm thực biển; xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền và nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm