1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Để dân lấp cống xây nhà rồi thành phố lại tốn tiền bồi thường?

(Dân trí) - Tại TPHCM, chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo nên để người dân lấp cống xây nhà, lấn chiếm hầm xả, kênh thoát nước… gây ngập. Đến khi tái tạo công trình chống ngập lại phải tốn tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngày 18/5, UBND TPHCM tổ chức họp sơ kết 2,5 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.

Dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu trị giá 10.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2019
Dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu trị giá 10.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2019

Tại đây, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập TP – cho biết đến nay đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập do mưa. Hiện nay, các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.

Trong 2 năm 2016-2017, thành phố đã giải quyết 4/9 tuyến đường ngập do triều gồm: Lương Định Của, Đường số 26, Tỉnh lộ 10 và Xa lộ Hà Nội. Trong khi đó, dự án giải quyết ngập do triều có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu (10.000 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2019 sẽ giải quyết ngập cho 4/9 tuyến đường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn.

Tháng 12/2017, thành phố đã khởi công dự án Bờ tà sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm), sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập tại tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.

Theo ông Dũng, hiện nay thành phố vẫn đang tiếp tục xử lý các điểm lấn chiếm sông, kênh rạch, cửa xả, hầm ga, tuyến cống. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế vì bị lấn chiếm từ lâu, địa phương gặp khó khăn khi xử lý.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng khó khăn trong việc xử lý các vị trị lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước... là hậu quả của sự quản lý kém hiệu quả
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng khó khăn trong việc xử lý các vị trị lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước... là hậu quả của sự quản lý kém hiệu quả

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trước đây ông đã đi khảo sát tình trạng lấn chiếm công trình thoát nước tại 3 địa phương là quận Tân Bình, quận Gò Vấp, quận 12. Ông đặt câu hỏi, việc lấn chiếm, xây nhà trên kênh rạch hồi trước là do cấp phép hay người dân xây lén?

“Bây giờ phải vận động người dân di dời là cái giá phải trả cho công tác quản lý kém hiệu quả. Giải quyết vấn đề này không thể một sớm, một chiều”, ông Phong nói.

Quận 9 là một trong những địa phương còn nhiều tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước, cũng như hệ thống kênh rạch, tuyến cống bị lấn chiếm.

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND quận 9 - cho biết hiện nay trên địa bàn quận còn 40% số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước, trong đó có 8 tuyến đường huyết mạch của quận như Nguyễn Xiển, Nguyên Văn Tam, Hoàng Hữu Nam, Lê Văn Việt (mới làm được một nửa)...

“Hiện nay mới có 232/350 tuyến đường có hệ thống thoát nước. Trong đó, có 74/941 tuyến hẻm có thoát nước. Tỷ lệ đường chưa có hệ thống thoát nước lớn cho nên ngập trên địa bàn chủ yếu do mưa và thoát nước không kịp”, ông Anh nói.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập do hệ thống cống thoát nước xuống cấp
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập do hệ thống cống thoát nước xuống cấp

Hiện nay, quận 9 còn 4 điểm ngập cục bộ ở một số tuyến đường chính, từ 0,2-0,5m, trong đó có tuyến đường Đỗ Xuân Hợp. Tuyến đường này có hệ thống thoát nước nhưng kết nối cống thoát nước với các tuyến đường xung quanh không phù hợp về khẩu độ, cao độ nên mưa vẫn ngập.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 9, nhờ hệ thống sông rạch chằng chịt nên trước đây hệ thống thoát nước chủ yếu là mương hở, sau thời gian thì bị xói mòn. Do đó, người dân tự xây dựng cống, kè, thậm chí xây nhà lên trên rồi kê khai. Cơ quan chức năng lại cấp phép xây dựng rồi cấp giấy chứng nhận.

Trong quá trình thực hiện dự án thoát nước ở tuyến đường Lê Văn Việt và một số tuyến đường chính của quận thì phát hiện tuyến cống bị lấn chiếm.

“Quận cùng trung tâm chống ngập kiến nghị thành phố cho tái tạo lại tuyến cống này hoàn chỉnh. Trong đó, một phần kinh phí khá lớn bồi thường cho người dân. Cái này chúng ta phải chấp nhận vì do lịch sử để lại, do quản lý chưa chặt chẽ. Không thể vì xây dựng lại tuyến cống mà đẩy người dân ra”, ông Anh nói.

Từ nay đến 2020, quận 9 sẽ xây 6 tuyến đường chính và tốn kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng. Nhu cầu chống ngập rất cấp bách, quận 9 kiến nghị UBND TP xem xét bố trí vốn hoặc cho chủ trương để quận kêu gọi xã hội hoá.

Quốc Anh