1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính:

Để có những bức hình chiến trường, có khi đổi cả mạng sống

(Dân trí) - Nơi nào có trận đánh ác liệt, nơi đó có ông. Những bức hình sống động, chân thực về các trận đánh oai hùng ở Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào, căn cứ Đầu Mầu… làm tên tuổi ông đi vào huyền thoại. Ông là phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.

Những ngày này, khi cả nước đang tiến hành các hoạt động kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam sum họp một nhà, những người trở về từ cuộc chiến như Đoàn Công Tính, hào khí bao nhiêu năm vẫn còn vẹn nguyên. Ở cái tuổi 70, ông mạnh khỏe, minh mẫn và say sưa khi nói về những bức ảnh, những trận đánh oai hùng mà ông là người từng có mặt trong những ngày “mưa bom, bão đạn” ấy.

Nghề báo đến với ông một cách tình cờ. Từ chiếc máy ảnh Gorky của Nga mà ông mua 30 đồng năm 1964, ông tự học, tự mày mò chụp ảnh, viết báo. Năm lần bảy lượt viết rồi gửi, hồi họp chờ đợi. Rồi bài báo đầu tay được đăng. Bức ảnh đầu tiên về chiến trường được đặt ở vị thế trang trọng trên mặt báo. Như có thêm động lực, ông lao vào sáng tạo không ngừng và những bức ảnh “độc quyền” về các trận đánh được đăng tải đều trên báo. Con đường trở thành phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân đến với Đoàn Công Tính từ đó. Khi được là phóng viên hẳn hoi, cơ quan giao cho ông chiếc máy Kiev của Nga, rồi Pratica của Đức. Chụp phim chủ yếu là Tesma của Nga và Orwo của Đức. “Thời chiến, bảo quản phim khó lắm, trời ẩm, phim thường xuyên bị rít, rất dễ đứt. Tôi có 1 thùng đại liên với các hạt chống ẩm, mỗi khi mở ra lấy phim luôn phải thao tác thật nhanh. Thêm nữa là bằng than, dùng than củi khô bọc vào khăn tay lót xuống phía dưới”, cựu phóng viên tâm sự.
Để có những bức hình chiến trường, có khi đổi cả mạng sống
Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính

Trong chiến tranh, phóng viên viết có thể nằm tại căn cứ chỉ huy quân sự để lấy thông tin tổng hợp nhưng phóng viên ảnh phải là người có mặt ngay tại điểm nóng nhất của chiến sự để săn ảnh. Bằng trái tim quả cảm, tinh thần vượt khó, lòng nhiệt huyết với nghề, Đoàn Công Tính luôn theo sát các anh bộ đội ra chiến trường để có những bức ảnh sống động, chân thực nhất. “Giữa chiến trường, bom đạn khốc liệt, ông không sợ chết à”, tôi hỏi. “Khi ra chiến trường, hãy quên đi ý niệm “sợ chết”. Tôi từng chứng kiến đồng nghiệp đang quay phim thì trúng bom chết. Còn tôi, vừa chạy, vừa chụp hình. Để có được những bức hình, có khi đổi cả mạng sống”, ông tâm sự.

Anh có mặt ở những trận đánh lớn như: Đường 9 – Nam Lào, Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu và là nhà báo duy nhất lọt vào bên trong Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm sục sôi. Những bức ảnh “Nụ cười thành cổ”, “Chiến tranh, nỗi đau khổ của con người”, “Tình đồng đội”, “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu”, “Trên đường hành quân”, “Vượt thác băng ghềnh”… của Đoàn Công Tính sống mãi với thời gian. Bức ảnh ấy không chỉ phản ánh chân thực cuộc chiến mà còn cho cả thế giới thấy được khí phách kiên cường của người Việt Nam trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.
Để có những bức hình chiến trường, có khi đổi cả mạng sống

PV Đoàn Công Tính vượt sông Sê Băng Hiêng (Sê Pôn – Xanavakhet – Lào) tháng 3/1971

Giờ đây, những bức ảnh ấy đã hơn 40 tuổi. Trải qua cả một quãng thời gian dài, với biết bao biến động nhưng những khoảnh khắc để có những bức ảnh đi vào lịch sử ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của cựu phóng viên chiến trường.

Ông kể, khi xung phong vào chiến trường, biết rằng một đi không trở lại nên trong lòng ông rất thanh thản. Nơi nào có trận địa, Đoàn Công Tính đều tìm đến. Có khi, nửa đêm, nghe tiếng súng đì đùng, ông choàng tỉnh giấc, quơ vội máy ảnh lên người rồi lao đi. Chính vì sự lăn xả, xông pha ấy mà Đoàn Công Tính là phóng viên đầu tiên có mặt tại chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Những loạt phóng sự ảnh về chiến dịch này của ông liên tục đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân, gây tiếng vang lớn.

Để có được những bức ảnh ấy, Đoàn Công Tính phải đi nhờ từng chặng đường trên những chuyến xe quân sự ra tới Hà Nội. Khi ra tới Vinh, hết xe, trong khi tòa soạn đang cần hình gấp. Bí quá, ông dùng khẩu AR15 khoác theo để chặn chuyến xe khách trong ngày. Những bức ảnh còn nóng hổi ở chiến trường được tráng kiểu dã chiến trong hầm tối đăng lên báo. Cái tên Đoàn Công Tính trở nên gần gữi với bạn đọc nhiều hơn.

Xuân 1972, khi vợ sắp sinh cô con gái đầu lòng thì Đoàn Công Tính mang ba lô ngược vào Quảng Trị. Ông cùng một số đồng nghiệp kẹt lại ở bờ Bắc sông Thạch Hãn. Không chấp nhận phí thời gian khi cuộc chiến đang hừng hực hào khí và những cuộc hành quân của bộ đội, Đoàn Công Tính thuyết phục ban chỉ huy cho phép vượt sông. Con đường vào thành cổ gian nan, nguy hiểm, nhiều lời khuyên nhưng không lay chuyển được ông từ bỏ ý định. Thế là, ngay trong đêm, phóng viên Đoàn Công Tính được 2 o giao liên tên Lệ và Hảo dẫn đường bơi qua sông Thạch Hãn. Trời đêm mịt tối, tiếng pháo rít liên hồi, trên trời, dưới đất mù mịt lửa vậy mà không ngăn được bước chân của nhà báo trẻ.
Để có những bức hình chiến trường, có khi đổi cả mạng sống
Bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị đưa tên tuổi Đoàn Công Tính vào huyền thoại

Sáng 16/8/1972, chỉ huy cho một chiến sĩ thông tin dẫn nhà báo vào trong thành cổ. Người chiến sĩ ấy tên Lê Xuân Chinh thầm nghĩ: “Ông nhà báo này, làm cái quái gì vào đây. Đổi mạng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gì”. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng anh Chinh vẫn nhiệt tình hướng dẫn đường đi nước bước cho nhà báo vào trong thành. Và ông là nhà báo duy nhất được vào thành cổ trong trận chiến ác liệt đó. “Đến khi trận đánh kết thúc, tôi ra ngoài thành thì các nhà báo khác mới đến nơi”, ông kể. Ngay sau trận đánh, quân ta thắng giòn giã, thế nhưng thành cổ Quảng Trị không viên gạch nào còn nguyên vẹn, chỉ có nụ cười các chiến sĩ là vẫn vẹn nguyên, rạng rỡ. Đoàn Công Tính muốn có một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc này. Ông bảo Chinh bỏ khẩu AK và cầm khẩu B40 rồi ngồi ngoài cùng. Ngay lúc ấy, 8 cuộn phim được bấm và bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị - 1972” đã đi vào lịch sử và tên tuổi của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trở thành huyền thoại.

Giờ đây, với cựu phóng viên Đoàn Công Tính, Quảng Trị như quê hương thứ 2 của ông. Bao lần ông ngược xuôi từ TPHCM ra lại chiến trường cũ năm xưa, cùng đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp tìm lại “dấu tích” xưa. Tìm lại cái hào khí của một thời trai trẻ nay đã là một phần lịch sử hào hùng. Với ông, con người Quảng Trị nhân hậu, anh dũng, những chiến sĩ bộ đội kiên trung vẫn còn sống mãi.

Ông thận trọng giở từng trang cho tôi xem những bức ảnh trong cuốn sách ảnh có tên Khoảng khắc mà 2/3 số ảnh do ông chụp ở Quảng Trị. Chỉ vào từng tấm hình, ông giải thích cặn kẻ. Mỗi tấm hình đều nhắc cho ông một kỷ niệm và như chuyến tàu thời gian, đưa cuộc hành trình phiêu lưu của ông về quá khứ.

Ông kể về chuyện lão ngư dân và con dâu dùng xuồng đưa bộ đội qua sông. “Máy bay địch có thể thả bom bất cứ lúc nào và cái chết có thể diễn ra trong tích tắc. Thế nhưng, cha con ngư dân và bộ đội ai cũng lạc quan, yêu đời. Trong bức ảnh, không có nhân vật nào không nở nụ cười dù phía trước, họ đang đối mặt với trận đánh bảo vệ thành cổ”.

Còn bức ảnh xe tăng của ta trúng mìn, các chiến sĩ dũng cảm vượt lên truy kích địch trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, cựu phóng viên cứ xuýt xoa. “Với quân địch, khi xe tăng bị hư thì họ rút lui ngay. Những kẻ chiến đấu phi nghĩa hay lính đánh thuê thì họ sợ chết. Còn bộ đội ta, họ chiến đấu vì lý tưởng vì tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh nên dù xe tăng bị hư họ vẫn xông pha tiến về phía trước”.
Để có những bức hình chiến trường, có khi đổi cả mạng sống
"Khí phách nơi cửa sông", một lão ngư dân và con dâu đưa bộ đội vào trận đánh Thành cổ Quảng Trị

Chiến tranh đã lùi xa từ lâu nhưng những vết thương mà nó gây ra chưa đủ để khép lại hết và quên lãng đi những gì thuộc về quá khứ. Nhiếp ảnh đã tạo nên những giá trị không thể phủ nhận. Ống kính dũng cảm và tài hoa của Đoàn Công Tính đã làm tròn trách nhiệm nhân chứng lịch sử, ghi lại cho hậu thế hiện thực sống động của một thời khó quên.

Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đã đi qua không chỉ 81 ngày đêm trong Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Nam Lào, đường Trường Sơn… để ghi lại hình ảnh của những trận đánh góp phần làm nên một chiến thắng 30/4/1975 lịch sử…

“Tôi thấy hạnh phúc vì những bức hình của mình đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của những người lính, một chút kỷ niệm trên đường hành quân hay một nụ cười vẹn nguyên của người lính. Chỉ tiếc rằng, tôi đã không có điều kiện để ghi lại khoảnh khắc ngày 30/4/1975 lịch sử tại Dinh Độc Lập của miền Nam”, cựu phóng viên chiến trường tâm sự.
 
Nhà nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính sinh năm 1943, nguyên là Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, các tác phẩm được giải: Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu - Giải thưởng lớn, Huy chương Vàng tổ chức quốc tế nhà báo OIJ; Trên đường hành quân - Giải thưởng ACCU, Nhật Bản; Trên đồi không tên - Giải nhất Hội Nhà báo VN… Gần đây nhất, ông được trao giải thưởng ảnh châu Á Xagamihara 2005 cho chùm ảnh Khoảnh khắc, cũng về chiến tranh VN. Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Nhiếp ảnh.
 
Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm