DMagazine

Để cán bộ không "đổ ngã" như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh…

(Dân trí) - Cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, để những cá nhân đứng đầu lợi dụng, làm những điều sai trái mà không bị phát hiện và bị ngăn chặn từ sớm...

Cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, để những cá nhân đứng đầu lợi dụng, làm những điều sai trái mà không bị phát hiện và bị ngăn chặn từ sớm. 

Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh vụ Việt Á.

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 2

Đến thời điểm này, gần 70 cán bộ đã bị khởi tố liên quan đến vụ Việt Á, trong đó có cả hai cựu Bộ trưởng. Ông đánh giá như thế nào về sự mất mát cán bộ qua vụ việc này?

 - Đó là sự mất mát rất lớn, đặc biệt là với những cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược thuộc diện trung ương quản lý. Tuy nhiên, đây không chỉ là chuyện mất mát cán bộ, mà hệ lụy, tác động xã hội của việc xử lý người đứng đầu cấp Bộ là rất lớn. Với riêng ngành y tế, tôi cho là hệ lụy tâm lý và lòng tin của xã hội có thể kéo dài từ 5-7 năm tới.  

Nhiều người cho rằng, kit test Việt Á đã test ra nhiều cán bộ thiếu bản lĩnh, sa ngã bởi các lợi ích vật chất. Ông nói gì về điều này?

- Vụ kit test Việt Á đã phát lộ ra hàng loạt cán bộ ngành y có liên lụy, bị xử lý, và số lượng hiện tại chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể nói, kit test không chỉ giúp phát hiện virus cúm mà đã trở thành liều thuốc thử, ngẫu nhiên kiểm tra ý thức trách nhiệm, sự liêm chính của cán bộ công quyền, cụ thể ở đây là cán bộ quản lý ngành y. Và quả thật, nó đã phát hiện ra rất nhiều cá nhân chưa đảm bảo đạo đức, sự liêm chính và trách nhiệm công quyền, cũng như ý thức phục vụ cộng đồng. 

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 4

Xét ở khía cạnh nào đó, kit test Việt Á cũng là "phép thử" với cấp Bộ trưởng, thưa ông?

- Đúng vậy! Chúng ta vẫn ví bộ trưởng là những tư lệnh ngành. Vì thế, hoạt động của cả một ngành sẽ phụ thuộc rất lớn vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, và các quyết định quản lý của Bộ trưởng. Nói rộng ra, các Bộ trưởng có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi chính sách trong một lĩnh vực nào đó. Kit test Việt Á chính là một phép thử phẩm chất và năng lực của một số Bộ trưởng trong tình huống bất thường. Sự vi phạm của họ gợi ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Trong vụ việc này, ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị Bộ Chính trị đánh giá là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước… Ông có ý kiến gì với trường hợp Bộ trưởng là người sai phạm trước và sai phạm của Bộ trưởng đã khơi nguồn cho sai phạm về sau của cán bộ cấp dưới?

- Đúng là ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long đều vi phạm trong thời gian còn là Bộ trưởng, là người đứng đầu một ngành, có nhiều thẩm quyền trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách. Khi người đứng đầu vi phạm thì hệ quả của nó là rất lớn.

Trước hết, hàng loạt cán bộ cấp dưới vi phạm rất có thể do họ đã chấp hành quyết định của người đứng đầu ngành, dẫn đến những vi phạm mang tính dây chuyền, liên quan đến cán bộ ở nhiều địa phương và nhiều cấp độ quản lý. 

Thứ hai, khi lãnh đạo cao nhất của một ngành bị xử lý bởi những vi phạm nghiêm trọng thì hệ lụy tâm lý, xã hội đối với cán bộ trong ngành là tất yếu. Lòng tin của xã hội đối với ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. 

Tuy nhiên, hiện nay, chưa đủ cơ sở để cho rằng vụ việc này chỉ bắt nguồn từ những sai phạm của các Bộ trưởng vừa bị kỷ luật. Tôi chỉ nhấn mạnh rằng, sự can dự và vai trò của các cá nhân đứng đầu nêu trên trong những sai phạm liên quan đến Việt Á là khá rõ ràng.

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 6

Lý giải về vi phạm của cán bộ cấp cao trong vụ Việt Á, nhiều người nhìn nhận lỗi chính là ở con người, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng căn nguyên là từ vấn đề cơ chế. Quan điểm của ông như thế nào?

- Câu hỏi đặt ra ở đây, những cán bộ cấp cao vi phạm đều là những người được đào tạo bài bản, có quá trình phấn đấu lâu dài thì tại sao lại hành động như vậy? Để lý giải cái sai đó của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành, chúng ta phải xét cả cấp độ cá nhân và cấp độ hệ thống (cơ chế, chính sách). 

Ở cấp độ cá nhân, rõ ràng họ đã không tự kiểm soát được mình. Ở cấp độ hệ thống, cơ chế, chính sách hẳn còn những kẽ hở để lợi dụng. Chẳng hạn như: các nguyên tắc chỉ định thầu trong tình huống bất thường. Điều gì khiến một công ty như Việt Á lại dễ dàng thắng thầu nhiều như thế? Tại sao không thấy những cảnh báo để có thể ngăn chặn sự tùy tiện ưu ái vì lợi ích cá nhân, nhóm? 

Chúng ta có thể nghĩ về sự lỏng lẻo trong cơ chế, chính sách, quy trình quản lý đã góp phần dẫn đến những sai phạm của hai cựu Bộ trưởng. Đó là những vi phạm tưởng như "rất đơn giản", rất dễ nhận ra, chẳng hạn như phê duyệt đề tài, nghiệm thu đề tài, chuyển giao kết quả nghiên cứu....

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 8

Cách đây chưa lâu, chúng ta đã xét xử rất nghiêm một Bộ trưởng, một cựu Bộ trưởng trong vụ AVG. Vậy tại sao, những vụ như Việt Á vẫn xảy ra, thưa ông?

- Chúng ta từng chứng kiến những cựu Bộ trưởng bị xử lý rất nghiêm khắc trong vụ án AVG (ông Nguyễn Bắc Son đã bị tuyên án chung thân- pv). Cựu Giám đốc CDC Hà Nội cũng bị 10 năm tù giam do "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nhưng vừa qua, lại thêm một giám đốc CDC Hà Nội bị bắt liên quan đến chuyện hoa hồng của Việt Á. Qua hàng loạt vụ việc như vậy, rõ ràng người sau đã nhìn thấy hậu quả nhãn tiền của người đi trước. 

Để lý giải được vì sao vẫn có những vụ như Việt Á dù có hàng loạt bài học nhãn tiền, theo tôi có cả những yếu tố thuộc về cá nhân, bối cảnh và trình độ phát triển xã hội, và cả những yếu tố thuộc về thể chế quản lý nhà nước, quy trình chính sách.

Nhưng cụ thể và trực tiếp nhất thì tôi cho rằng các phản ứng giám sát, kiểm soát hành vi công quyền chưa đủ mạnh để khiến cá nhân nắm quyền phải "chùn tay" trước các cơ hội vụ lợi. Lòng tham của con người rất khó kiểm soát, chúng ta cũng không thể bảo đảm rằng cơ hội vụ lợi không xuất hiện. Vì thế, nếu các phản ứng giám sát, kiểm soát công quyền mà yếu, kém hiệu quả thì các hành động vị kỷ, vụ lợi cho cá nhân, nhóm, tất yếu sẽ xảy ra. 

Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải cắt bỏ một vài cành sâu mọt để cứu cái cây. Vậy trong vụ Việt Á, việc xử lý cán bộ sai phạm, kể cả các bộ trưởng, chúng ta tiếp tục ủng hộ quan điểm không có vùng cấm, thưa ông?

- Từ năm 2013 đến nay, có hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý. Đó là mất mát rất lớn cho bộ máy quản trị quốc gia. Nhưng đây là việc buộc phải làm, nếu không nhóm này sẽ phình to và có thể nuốt chửng cả chế độ, cả bộ máy chứ không phải là chúng ta xử lý họ nữa. Nếu không mạnh tay xử lý vi phạm, kể cả với cán bộ cấp cao, thì tiến trình phát triển của đất nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Vì vậy, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh việc xử lý quyết liệt như vậy, theo tôi, chúng ta cần nhanh chóng hiện đại hóa thể chế quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, quy trình chính sách để có thể giảm thiểu những kẽ hở chính sách, gia tăng khả năng kiểm soát hành vi của cán bộ công quyền. Khi bộ máy quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động ổn định như ở các nước phát triển thì chuyện những cán bộ lệch chuẩn chỉ là thiểu số và hậu quả cũng không lớn do sớm bị phát hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng nói về vấn đề cán bộ trong vụ Việt Á

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 10

Hoa hồng, lại quả trong vụ Việt Á đã đánh gục nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo CDC các tỉnh. Vậy theo ông, cách nào để cán bộ vượt qua được những cám dỗ lớn như vậy?

- Trong vụ Việt Á chúng ta chưa thấy cán bộ nào từ chối tiền lại quả, hoa hồng, tức là khi Việt Á đưa tiền, cán bộ sẽ nhận. Để lý giải điều này thì có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên đó là lòng tham khiến nhiều cán bộ không kiểm soát được mình trước số tiền mà Việt Á lại quả. Vấn đề thứ hai có thể là người ta coi việc nhận tiền lại quả như là "thông lệ" bất thành văn khi giao dịch trong khu vực công. Để giảm thiểu vấn nạn này, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể cả về phương diện cá nhân và giải pháp mang tính cấu trúc hệ thống. 

Về phương diện cá nhân, đó là  khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, và bổ nhiệm cán bộ. Chúng ta phải chọn được những người thực sự có năng lực, đam mê công việc, coi sự phụng sự đất nước là lẽ sống của họ thì mới giảm thiểu được những tính toán ích kỷ, vụ lợi. Về phương diện cấu trúc, chúng ta phải thiết kế ra các cơ chế và phương thức kiểm soát hành vi của các cá nhân nắm giữ công quyền, tức là đặt họ trong tình trạng luôn bị kiểm soát, giám sát. Bất kỳ hành vi lệch chuẩn nào đều có thể sớm bị phát hiện và xử lý một cách nghiêm khắc. 

Gắn với hệ thống của chúng ta hiện nay, tôi cho rằng, một mặt chúng ta tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát theo trục dọc trong bộ máy. Mặt khác, cần tính đến cơ chế kiểm soát theo chiều ngang. Tức là thiết kế cơ chế phản ứng giám sát đến từ bên ngoài mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, hoạt động một cách thường xuyên. Giám sát theo chiều ngang sẽ giúp giảm nguy cơ thao túng của người đứng đầu nếu họ can dự vào các vi phạm.

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 12

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập việc "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế". Chúng ta phải làm cách nào để không xảy ra việc lạm quyền như với trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, thưa ông?

- Những năm qua, trung ương Đảng luôn nhấn mạnh vấn đề  kiểm soát quyền lực. Việc này có hai cấp độ, đó là kiểm tra, giám sát trong Đảng và kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong đó, kiểm soát quyền lực nhà nước liên quan đến những cá nhân nắm giữ công quyền, có thể ban hành những quyết định vị kỷ, vụ lợi. Vụ Việt Á cho thấy, cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, để những cá nhân đứng đầu lợi dụng, làm những điều sai trái mà không bị phát hiện và bị ngăn chặn từ sớm. 

Do vậy, về nguyên tắc, để giảm thiểu nguy cơ lạm dụng công quyền thì cần phải bảo đảm tính khách quan cho các cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực. Cũng có nghĩa, các phản ứng kiểm tra, giám sát trong Đảng hay kiểm soát quyền lực nhà nước cần vận hành theo cơ chế tự động, khách quan, không quá phụ thuộc vào ý chí của con người. 

Khi thống nhất nhận thức về nguyên tắc này thì chúng ta sẽ thiết kế được cơ chế và phương thức phù hợp.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - nghiên cứu sinh tại Đại học Portland State, Hoa Kỳ; Thạc sĩ Khoa học xã hội, Đại học Queensland, Australia; Hiện công tác tại Viện Xã hội học và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Để cán bộ không đổ ngã như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… - 13

Nội dung: Cấn Cường - Quang Phong

Thiết kế: Đỗ Diệp