ĐB Đỗ Văn Đương: Đây là tiếng nói của dân, không phải truy cứu trách nhiệm

(Dân trí) - Đại biểu Đỗ Văn Đương tiếp tục bảo lưu quan điểm đã phát biểu trước Quốc hội là “Luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền” và cho rằng Liên đoàn Luật sư đã nhầm lẫn về vai trò khi kiến nghị xem xét tư cách đại biểu của ông...

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương.
 
Trước kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội với ông Đỗ Văn Đương (đoàn ĐBQH TPHCM) sau khi đại biểu này nói trước Quốc hội “Luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền”, hôm nay, 1/11, trao đổi bên hành lang phiên thảo luận về đề án tái cơ cấu kinh tế, ông Đương điềm tĩnh đáp: “Kiến nghị của Liên đoàn Luật sư là chuyện quá bình thường!”.

Ông Đương cho biết, bản thân đã đọc toàn bộ văn bản kiến nghị Liên đoàn luật sư gửi đến lãnh đạo Quốc hội.

“Đó là chuyện của người ta. Không có việc tôi phải giải trình gì cả. Chúng ta nên nhớ Hiến pháp đã quy định đại biểu Quốc hội khi phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm” – ông Đương nói.

Đại biểu Quốc hội TPHCM nhận xét văn bản mang nội dung áp đặt rõ ràng. Việc ông phát biểu trước Quốc hội là thể hiện tiếng nói của cử tri, xuất phát từ thực tế. Ông Đương nhấn mạnh: “Tôi chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đây là dân biểu nói tiếng nói của dân và không phải truy cứu trách nhiệm gì cả”.

Cách phản ứng của Liên đoàn Luật sư, theo ông Đương, tạo tiền lệ, không khí không tốt cho hoạt động tranh luận, phản biện. Ông Đương đặt câu hỏi, nếu phản ứng thế thì nói đụng đến ai họ (lãnh đạo Liên đoàn Luật sư) cũng lại kiến nghị xử lý?

Đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích thêm, ông là đại biểu dân cử. Liên đoàn Luật sư đã có sự nhầm lẫn về vai trò của ông khi phát ngôn. Phía Liên đoàn cũng không liên hệ gì với ông sau khi ông phát biểu trước Quốc hội ít ngày trước.

“Đây là vấn đề nhận thức và tranh luận. Ông sai thì ông bảo thế nọ thế kia. Dư luận họ nói như vậy thì tôi phải phản ánh chứ” – ông Đương giải thích.

Đại biểu TPHCM cũng một lần nữa khẳng định “bảo lưu” quan điểm đã nêu, không thay đổi, “đính chính” vì điều ông nói đơn giản là nói tiếng nói của cử tri, nhân dân.

P.Thảo

Dòng sự kiện: Luật sư và luật pháp