Phó Chủ tịch Quốc hội: Không phải ai cũng có tiền thuê luật sư
(Dân trí) - “Có thể đại biểu Đương nói ý không phải tất cả mọi người đều có tiền thuê luật sư. Còn luật sư cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia những vụ án mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Liên đoàn Luật sư đã gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét trách nhiệm của đại biểu Đỗ Văn Đương sau phát biểu “luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Cá nhân tôi chưa nhìn thấy văn bản đó. Nhưng nếu nói luật sư chỉ bảo vệ cho người có tiền thì không đúng. Vì tôn chỉ mục đích hoạt động của luật sư được ghi trong luật Luật sư rồi, người ta có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ lẽ phải.
Tất nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam cũng có một bộ phận người dân không có tiền nên hạn chế trong việc thuê luật sư bào chữa cho mình. Nhưng trong luật Luật sư có quy định trách nhiệm của Luật sư là phải bào chữa theo chỉ định và tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đó là nghĩa vụ của họ.
Trong văn bản được gửi đi, Liên đoàn Luật sư cũng viện dẫn lý do ông vừa nêu để phản bác lại ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương và tổ chức này đề nghị xem xét trách nhiệm, tư cách đại biểu của ông Đương?
Để tôi xem lại điều này. Nhưng tất nhiên đại biểu cũng có quyền của họ. Họ được nói ra tiếng nói, suy nghĩ của họ. Nhưng để phán xét đúng sai thì mình cần phải xem lại.
Vậy phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương phải hiểu như thế nào mới đúng, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
Chúng ta đừng tách một nội dung, vấn đề ra khỏi một ngữ cảnh tổng thể. Có thể đại biểu Đương nói ở một khía cạnh như tôi vừa nói là xã hội ta không phải tất cả mọi người đều có tiền thuê luật sư khi ra trước tòa. Vậy nên trong luật Luật sư, như tôi đã nói, họ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia những vụ án do cơ quan có thẩm quyền tố tụng chỉ định hoặc phải làm trợ giúp pháp lý miễn phí.
Thực tế hiện nay người nào có điều kiện thì họ thuê luật sư giỏi khi ra trước tòa. Nên có thể đại biểu Đương nói ý ở khía cạnh đó. Còn tôi thì chưa nhận được công văn phản ánh của Liên đoàn Luật sư.
Những phát ngôn của đại biểu trước nghị trường như trường hợp của đại biểu Đỗ Văn Đương có bị quy trách nhiệm không, thưa ông?
Miễn trừ trách nhiệm là vấn đề trong quá trình làm Hiến pháp có tranh luận rất nhiều xem có nên ghi hẳn điều đó hay không. Ví dụ như có truy cứu trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nghị trường như ở các nước hay không.
Trong một xã hội như chế độ chúng ta thì bản thân mỗi đại biểu phải xác định được trách nhiệm của mình. Dư luận xã hội và các cơ quan có trách nhiệm đều đã xem xét việc này, vì mỗi đại biểu phải ý thức được họ đại diện cho ai.
Việc giới luật sư phản ứng rất mạnh mẽ và Liên đoàn Luật sư gửi văn bản như vậy liệu có ảnh hưởng đến chất lượng phát biểu của đại biểu trước nghị trường hay không?
Chuyện các tổ chức gửi văn bản, cũng như những câu chuyện nêu trên báo chí là một kênh thông tin. Điều đó cũng không ảnh hưởng đến tâm lý của đại biểu, bởi vì mỗi đại biểu đều có bản lĩnh và quan điểm của mình.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong