1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dãy Trường Sơn - “Miền đất hứa” cho ứng phó biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Đánh giá tổng thể về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - chủ biên công trình khoa học vừa được trao giải Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Môi trường - cho rằng, phải có chiến lược tổng thể, phát triển bền vững dãy Trường Sơn vì đây là “miền đất hứa” cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tối 16/11, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cùng các cộng sự được vinh danh tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2017. Công trình “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” của Tiến sĩ Sinh và cộng sự giành giải Nhất trong lĩnh vực Môi trường.

PV Dân trí có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh ngay sau khi Tiến sĩ Sinh cùng cộng sự nhận giải thưởng.

- Thưa Tiến sĩ, qua 8 lần tổ chức hội thảo, Tiến sĩ và các nhà khoa học có thể đánh giá một cách tổng thể, chi tiết về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn không?

- Từ năm 2010, khi bắt đầu tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc bảo vệ đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần đầu tiên, chúng tôi đã ý thức được rằng chúng ta đang tiếp cận một vấn đề hết sức quan trọng. Khi đó, quốc tế đã xác nhận rằng trung tâm đa dạng sinh học dãy Trường Sơn là một trong những trung tâm phong phú bậc nhất của thế giới. Có người nói nó trong top 10, có người nói trong top 15 nhưng đều là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường trao giải thưởng Môi trường. (Ảnh: Hữu Nghị)
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường trao giải thưởng Môi trường. (Ảnh: Hữu Nghị)

Ở đây còn rất nhiều vấn đề mà khoa học còn bất ngờ, ví dụ như phát hiện con Sao La vào cuối những năm thế kỷ 20. Người ta nghĩ rằng trên trái đất này không thể còn động vật móng guốc to như con sao la nữa nhưng ở Trường Sơn chúng ta lại có. Sau đó, chúng ta lại phát hiện ra những loại to không kém như Máng Lớn Trường Sơn. Chúng ta còn có những loại thực vật phong phú, những cây thuốc, cây quý như sâm Ngọc Linh. Ở đây chúng ta còn có vương quốc của các loài chim.

Về mặt tự nhiên thì có hang động như Sơn Đoòng, Phong Nha Kẻ Bàng - đó đều là những bất ngờ với thế giới. Và như thế, đa dạng sinh học đi liền với đặc điểm rất kỳ vĩ của dãy Trường Sơn làm chúng tôi yên tâm là đã chọn đúng hướng.

Thứ hai, dãy Trường Sơn hết sức huyền thoại với chúng ta, có giá trị hết sức to lớn, nhưng thực ra chúng ta chưa hiểu biết được một cách hệ thống và đầy đủ. Trong khi đó, mạnh ai người đấy làm, ngành nào, địa phương nào có tài nguyên gì đương nhiên là họ khai thác.

Nếu không đặt trong hệ thống tự nhiên dãy Trường Sơn, chúng ta sẽ mắc phải những khuyết điểm mà ngay lập tức chúng ta chưa chắc đã nhìn ra được, đặc biệt trong điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội và hơn thế nữa là ứng phó với biến đổi khí hậu. Như chúng tôi đánh giá, dãy Trường Sơn có thể là cứu cánh, là miền đất hứa để chúng ta ứng phó thành công với biến đổi khí hậu.

- Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về những vấn đề nổi cộm trong việc bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn?

- Chúng ta chưa hiểu biết được đầy đủ, chưa hiểu biết được hệ thống về tài nguyên, môi trường của dãy Trường Sơn. Về bản thân dãy Trường Sơn, chúng ta mới chỉ hiểu được một cách tổng thể chứ chưa chính xác, chưa được thảo luận giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau. Cho nên, ngay việc xác định ranh giới của dãy Trường Sơn như thế nào trong nước ta đã khó còn, ở đây nó bao trùm sang cả Lào, Campuchia thì còn khó hơn.


Gia đình đến chia vui cùng Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh. (Ảnh: Tiến Nguyên)

Gia đình đến chia vui cùng Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh. (Ảnh: Tiến Nguyên)

Thứ 2, vì chưa hiểu biết 1 cách đầy đủ như thế nên chúng ta chưa có chiến lược tổng thể phát triển dãy Trường Sơn.

Thứ 3, chúng ta chưa thấy đây là miền đất hứa cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Theo đánh giá của Tiến sĩ, vấn đề nào là nổi cộm, bức thiết nhất?

- Phải có chiến lược tổng thể, phát triển bền vững dãy Trường Sơn, biến nó trở thành cái nền để phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, lịch sử dân tộc và đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Qua những lần tổ chức hội thảo khoa học, Tiến sĩ và các nhà khoa học đã có những ý tưởng, đề xuất gì với các cơ quan chức năng?

- Bây giờ, chúng tôi đang tiệm cận một cách hệ thống và đầy đủ, vì thế chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước quan tâm, các địa phương lưu ý. Đồng thời, chúng tôi cũng đang gắn kết với các cơ quan quốc tế như Trung tâm Đa dạng sinh học Asian ở Philippines hoặc các nước bạn Lào, Campuchia để tìm hiểu kỹ hơn về tất các những vấn đề tôi đã nêu. Từ chỗ hiểu biết đầy đủ, chắc chắn, hệ thống, chúng ta mới hoạch định ra được chiến lược.


Mái đầu bạc của TS Sinh trên sân khấu lễ trao giải Nhân tài Đất Việt khiến lớp trẻ khâm phục. (Ảnh: Hữu Nghị)

Mái đầu bạc của TS Sinh trên sân khấu lễ trao giải Nhân tài Đất Việt khiến lớp trẻ khâm phục. (Ảnh: Hữu Nghị)

- Tiến sĩ có thể bật mí bước đi tiếp theo của Tiến sĩ và các nhà khoa học đối với công trình “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” sau buổi vinh danh ngày hôm nay?

- Tự chúng tôi sẽ cố gắng vận động các cơ quan, địa phương, đặc biệt là quốc tế, trước mắt là tổ chức các hội thảo quốc gia như trước đã tổ chức 7-8 lần rồi. Từ những kết luận đó, chúng tôi sẽ công bố các tài liệu cần thiết để vừa làm vừa cho các cơ quan địa phương tham khảo, theo dõi.

Trên cơ sở đó, đến một thời điểm nhất định nào đó, chúng tôi có thể đề xuất chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, xã hội bền vững của dãy Trường Sơn khi có biến đổi khí hậu.

- Tiến sĩ đánh giá như thế nào về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt?

- Lần đầu tiên giải thưởng về Môi trường có trong hệ thống Giải thưởng Nhân tài Đất Việt nên tôi chưa có nhiều suy nghĩ. Tuy nhiên, phần Công nghệ thông tin như đã thấy là rất thành công. Tôi rất mong giải thưởng này sẽ phát triển lên một tầm cao mới.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Tiến Nguyên (thực hiện)