"Dầu khí là vấn đề chủ quyền quốc gia"

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - "Đây là vấn đề chính trị đất nước, là an ninh - quốc phòng, ngoại giao, kinh tế. Tất cả các mối quan hệ phải xử lý hài hòa, quan điểm cần thể hiện trong cách thiết kế Luật Dầu khí" - đại biểu Lộc nói.

Chiều 3/6, trong thảo luận tại tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia và việc kiểm soát giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.

"Không chỉ là dầu khí mà là vấn đề chủ quyền quốc gia"

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, với Luật Dầu khí, vấn đề kinh tế chỉ là một phần. Luật Dầu khí tổng hợp rất nhiều vấn đề, trong đó có cả chủ quyền - vấn đề thiêng liêng nhất của quốc gia. 

"Đây là vấn đề chính trị của đất nước, an ninh - quốc phòng, ngoại giao, kinh tế. Tất cả các mối quan hệ phải xử lý hài hòa, quan điểm, định hướng cần thể hiện trong cách thiết kế Luật Dầu khí sửa đổi" - ông Lộc nói.

Để tạo nên sức nặng của Luật Dầu khí, ông Lộc cho rằng quan điểm đầu tiên là phải tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí trong thời gian tới và cần đưa ra những chính sách ưu đãi đủ sức thu hút đầu tư, tăng cường sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Dầu khí là vấn đề chủ quyền quốc gia - 1

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Nhà đầu tư).

"Huy động đầu tư nước ngoài vào vùng biển của Việt Nam, nhất là các cường quốc lớn, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới thì đó không chỉ là vấn đề dầu khí mà là vấn đề chủ quyền quốc gia, là lãnh thổ kinh tế của Việt Nam; các nhà đầu tư cũng là lực lượng đóng góp cho quốc phòng - an ninh của đất nước" - ông Lộc nhấn mạnh và nói "kinh tế chúng ta có thể thấp hơn nhưng chúng ta có được lợi thế về sức mạnh mặt quốc phòng - an ninh, về quan hệ đối ngoại để bảo vệ chủ quyền của đất nước".

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng dành sự quan tâm về việc phân cấp, phân quyền cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được nêu trong dự thảo luật sửa đổi. Theo đại biểu, đây là tập đoàn quốc gia rất đặc thù và cùng lúc phải thực hiện cả nhiệm vụ về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng, vì vậy việc tăng cường phân cấp phân quyền và tăng tính tự chủ cho tập đoàn này là thiết kế rất quan trọng và cần thiết, giúp tập đoàn này phản ứng nhanh hơn trong mọi tình huống.

Với ý nghĩa rất quan trọng của Luật Dầu khí về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị xác định đây là luật chuyên ngành, nếu có xung đột pháp lý giữa các luật trong lĩnh vực dầu khí thì áp dụng theo Luật Dầu khí; rà soát tất cả các luật và có danh mục cụ thể để tạo thuận lợi cho việc thực thi Luật Dầu khí. 

Công cụ nào kiểm soát giá xăng dầu?

Trong phiên thảo luận tổ TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993 và được sửa đổi năm 2000, sau đó năm 2008. 

"Nhờ có Luật Dầu khí mà việc khai thác, thăm dò tại Việt Nam có những bước phát triển đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh năng lượng quốc gia cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông" - ông Ngân nhấn mạnh. 

Dầu khí là vấn đề chủ quyền quốc gia - 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Quốc Chính).

Đưa ra đánh giá sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đang trên đà suy giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên đại biểu đoàn TPHCM đặt vấn đề những quốc gia khai thác được dầu mỏ thì người dân phải được hưởng quyền lợi trong việc khai thác này và người ta sử dụng nguồn lực đó để hỗ trợ khi cần thiết. 

Đáng chú ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin đã nghiên cứu, tìm hiểu về chính sách hỗ trợ của các nước kể từ khi có những cú sốc xăng dầu do biến động xung đột Nga - Ukraine. 

"Malaysia có nhiều chính sách hỗ trợ và giá xăng dầu ở Malaysia rất là thấp, tôi phải dùng từ "rất thấp" nếu so với Việt Nam (giá xăng dầu ở Malaysia khoảng 13.000 đồng/lít - PV). Brazil, Nga, Trung Quốc, Argentina… đều có những chính sách hỗ trợ cho việc khai thác dầu khí" - ông Ngân dẫn chứng. 

Trước tình hình giá xăng dầu thế giới vẫn còn rất bất ổn, thời gian tới chưa biết còn tăng nữa hay không, vị đại biểu đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính phối hợp trình ngay Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị giảm thuế môi trường.

"Trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì mà không dùng những gói giải pháp hỗ trợ tài chính một cách nhanh chóng hơn để kiểm soát giá xăng dầu. Tôi nghĩ rằng sớm nhất phải giảm tiếp được thuế bảo vệ môi trường 50%, việc này chúng ta trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết ngay" - ông Ngân nói và lý giải việc giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp hiện nay là rất cần thiết, cấp bách.