Dấu hiệu hình sự vụ Phó Bí thư xã ở Hà Nội tự bầu 75 phiếu cho mình
(Dân trí) - Các luật sư phân tích, hành vi tự bỏ thêm 75 phiếu bầu cho mình của Phó Bí thư xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) là hành vi gian lận, làm sai lệch kết quả bầu cử, có dấu hiệu của tội phạm hình sự.
Trúng cử cũng không được công nhận
Như tin đã đưa, ngày 6/6, Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tiến hành bầu cử lại tại Tổ bầu cử số 4, xã Tráng Việt. Trước đó, ngày 23/5, sau khi kết thúc bỏ phiếu, Tổ bầu cử số 4 phát hiện thừa 75 phiếu bầu so với số phiếu đã phát ra.
Qua kiểm tra, cơ quan bầu cử xác định, người có hành vi gian lận trong bầu cử là ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt, ứng viên đại biểu HĐND xã tại đơn vị bầu cử số 4.
Do lo sợ bản thân sẽ trượt đại biểu HĐND cấp xã nên ông Hùng đã lợi dụng chức vụ, đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn (Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4), lấy 75 phiếu bầu, gạch tên những ứng viên khác, chỉ để lại tên mình trên phiếu bầu và nhờ 2 dân quân đi bỏ phiếu hộ.
Đánh giá về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) - cho hay, Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định khá rõ về hành vi gian lận trong bầu cử, ứng cử.
Cụ thể: "Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".
Do đó, theo luật sư Bình, trong trường hợp này, cần phải xử lý hết sức nghiêm minh theo quy định.
Thực tế, bước đầu, Huyện ủy Mê Linh đã khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Hùng và ông Nguyễn Hữu Hoàn.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 2 tội danh liên quan đến bầu cử, cụ thể là Điều 160 - Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân và Điều 161 - Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân. Tùy theo mức độ vi phạm khác nhau, người vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý như phạt cảnh cáo hay phạt tù đến 3 năm.
Ngoài ra, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử; hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Có thể xử lý hình sự?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - cho rằng, vụ việc trên có dấu hiệu phạm tội theo quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Tuấn phân tích, để thỏa mãn tội danh trên, người có hành vi phạm tội phải thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm.
Về mặt khách quan, hành vi giả mạo giấy tờ là hành vi người phạm tội dùng mọi cách để sửa chữa, làm giả danh sách ứng cử viên, làm giả phiếu bầu cử, biên bản kiểm phiếu…; hành vi gian lận phiếu là hành vi cố tình kiểm phiếu không đúng (thêm hoặc bớt), ghi chép số lượng phiếu bầu cử không chính xác, thêm hoặc bớt số phiếu bầu của cử tri…; có hành vi, thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử như: thay hòm phiếu thật bằng hòm phiếu giả, ngừng việc cho cử tri bỏ phiếu trong khi chưa hết thời gian quy định bỏ phiếu.
Về mặt khách thể: hành vi phạm tội xâm phạm đến chế độ bầu cử tự do, dân chủ, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý được Hiến pháp quy định và hoạt động đúng đắn của cơ quan bầu cử các cấp.
Về mặt chủ quan của tội phạm: người phạm tội với lỗi cố ý, nhằm mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử. Về mặt chủ thể của tội phạm: là chủ thể đặc biệt, người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử như: thành viên tổ bầu cử, hội đồng bầu cử…
Đối chiếu các yếu tố nêu trên với hành vi vi phạm của 2 cá nhân trong vụ việc nói trên, theo luật sư Tuấn, hành vi của ông Nguyễn Xuân Hùng là hành vi gian lận, làm sai lệch kết quả bầu cử, là nguyên nhân dẫn đến phải bầu cử lại, thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.
Về dấu hiệu chủ thể, ông Hùng và ông Nguyễn Hữu Hoàn là người có trách nhiệm thực hiện giám sát đơn vị bầu cử (chủ thể đặc biệt), thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể.
Do vậy, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Xuân Hùng và ông Nguyễn Hữu Hoàn theo điểm b, khoản 2 Điều 161 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, nếu người phạm tội sử dụng con dấu giả thiết lập phiếu bầu cử "khống", làm sai lệch kết quả bầu cử, luật sư Tuấn cho rằng có dấu hiệu tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.
Điều 161. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.