1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đất lúa giảm, đất cho giáo dục, y tế cũng hao hụt

(Dân trí) - 10 năm qua, gần 350.000 ha đất lúa đã chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, đến năm 2020 sẽ mất tiếp 300.000 ha nữa, chủ yếu cho việc phát triển khu công nghiệp; trong khi đất cho trường học, bệnh viện vẫn thiếu.

Áp lực với đất lúa
 
Chiều qua 20/10, báo cáo Quốc hội về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận định, việc sử dụng đất vẫn đang còn nhiều bất cập trong phân bổ, sử dụng quỹ đất vào các mục tiêu khác nhau. Nhiều chỉ tiêu được Quốc hội giao trước đó không đạt.
 
Đất lúa giảm, đất cho giáo dục, y tế cũng hao hụt - 1
Đất lúa ngày càng giảm.

Mục tiêu giảm diện tích lúa nước, trong khi Quốc hội cho phép giảm 407.000 ha trong 10 năm, kết quả thực hiện đạt 207.000 ha nhưng mức chênh lệch giữa các địa phương quá lớn, có tỉnh biểu hiện giảm rất nhanh.

Giải thích về xu hướng giảm đất lúa trong khi vẫn kiên trì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, 10 năm qua, đã có gần 350 nghìn ha đất lúa được chuyển cho các mục đích khác, trong đó nhiều diện tích đất lúa thuộc khu vực đồng bằng là dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang để phát triển đô thị, khu công nghiệp.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thì việc chuyển đất trồng lúa cho các mục đích phi nông nghiệp sẽ không tránh khỏi. Đến 2020 sẽ có khoảng 300 nghìn ha đất trồng lúa sẽ chuyển sang các mục đích khác. Sau 2020 và xa hơn, đất lúa sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Khi diện tích đất lúa đã chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp thì khả năng quay trở lại là rất khó, trong khi quỹ đất để khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa mất đi là rất hạn chế và tốn kém.

Dự báo đến năm 2020, dân số nước ta vào khoảng 100 triệu người, và theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tổng sản lượng lương thực cần khoảng 47 triệu tấn, diện tích gieo trồng cần tối thiểu 7,3 triệu ha, với hệ số sử dụng đất 1,9 - 2 lần.

Bên cạnh đó, Việt Nam lại là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự báo, đến năm 2020, sẽ có khoảng 6 nghìn ha đất lúa bị ảnh hưởng, và đến năm 2030 sẽ có khoảng 20 ha, đến cuối thế kỷ thì sẽ có khoảng 70% diện tích đất lúa tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng.

Đất dành cho giáo dục, y tế ngày càng hao hụt
 
Đất lúa giảm, đất cho giáo dục, y tế cũng hao hụt - 2
Đất lúa chuyển đổi chủ yếu để làm khu công nghiệp.
 
Với phân tích đó, Chính phủ nhìn nhận việc đề xuất chuyển 500 nghìn ha diện tích đất lúa (xuống còn 3,6 triệu ha) sang đất phi nông nghiệp của các địa phương là không hợp lý. Sau khi tính toán cân nhắc, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giữ nguyên 3,81 triệu ha đất lúa trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). 

Nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh lương thực, xuất khẩu trong bối cảnh đất lúa giảm thì phải đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên cao hơn và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Đây là thách thức không nhỏ trong điều kiện chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, xâm thực mặn ảnh hưởng đến diện tích và năng suất lúa.

Diện tích đất lúa chuyển mục đích sử dụng, theo thống kê, dành cho việc phát triển các khu công nghiệp với tốc đột ăng diện tích rất nhanh. Đất khu, cụm công nghiệp tăng từ 23.000 ha vào năm 2000 tăng lên đến 100 nghìn ha vào năm 2010, tức là tăng hơn 4 lần.

Hiện cả nước có 267 khu công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có khoảng 547 khu với tổng diện tích là 200.000 ha (tăng 128 nghìn ha so với 2010).

Việc tăng diện tích khu công nghiệp từ 72.000 ha lên 200.000 ha đến năm 2020, theo UB Kinh tế, cần được tính toán, cân nhắc lại vì tiến độ đầu tư các khu công nghiệp 10 năm qua còn dàn trải, tỷ lệ lấp đầy đạt thấp, bình quân chỉ đạt 45,63%, có nơi rất thấp.

Quỹ đất ở các đô thị cũng trong tình trạng lãng phí. Nhiều khu đô thị còn để trống kéo dài, không có người ở, nhiều khu có mật độ xây dựng dày, không đủ điều kiện phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trong khi nhiều quỹ đất còn để trống thì đất đai dành cho các cơ sở xã hội như giáo dục, y tế hoặc công trình công cộng lại ngày càng hao hụt. Ủy ban Kinh tế đề nghị 10 năm tới cần quy hoạch đồng bộ, bố trí đầy đủ đất cho các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục và khu vui chơi, hoạt động thể thao.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm