Kiên Giang:
Đảo ngọc Phú Quốc quay cuồng trong cơn khát
(Dân trí) - Đến thời điểm hiện tại, người dân đảo ngọc Phú Quốc vẫn đang căng mình chống khô hạn như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL. Báo động nhất là tại xã Cửa Dương đang thiếu nước trầm trọng, đã có trên 20.000 bụi tiêu sắp chết vì “khát nước”.
Từ cuối tháng 3 năm nay, tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt bắt đầu diễn ra trầm trọng ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Bà Nguyễn Thị Hoa (69 tuổi, ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc) cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, trên 2.000 bụi tiêu của gia đình đang có dấu hiệu kiệt sức từ 50 - 60%. Nếu tình hình nắng nóng kèo dài và vườn tiêu phụ thuộc vào nguồn nước hỗ trợ ít ỏi như hiện nay thì 2.000 bụi tiêu của tôi sẽ chết hết như hồi năm 1997”.
Theo bà Hoa, từ khi người dân trồng tiêu ở địa phương kêu cứu, hai tuần qua, mỗi tuần gia đình bà nhận được một xe nước (4 -10m3). Lượng nước này chỉ có thể cứu được vài trăm bụi tiêu. Vì thế bà Hoa cũng như nhiều hộ trồng tiêu khác đã kiến nghị với địa phương cho các doanh nghiệp chở nước bán cho người dân để cứu tiêu nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết.
Ngày 15/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Việt – Chủ tịch UBND xã Cửa Dương tỏ ra lo lắng khi nói về tình trạng khô hạn đang xảy ra gay gắt trên địa bàn. Theo ông Việt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra trầm trọng, cụ thể đã có trên 20.000 bụi tiêu kiệt sức vì thiếu nước. Nếu tình hình nắng nóng kéo dài, không có mưa hay không có nguồn nước dồi dào nào đến giải cơn hạn này thì số bụi tiêu chết sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Nguyên nhân thiếu nước tưới tiêu, theo ông Việt cho biết là do tình trạng nắng nóng kéo dài làm các giếng khơi, suối bị cạn kiệt. Ngoài ra, tại ấp Khu Tượng các tổ 9, 10, 11 hiện nay chưa có điện, do vậy bà con muốn làm giếng công nghiệp phục vụ sinh hoạt, sản xuất thì không thể làm được.
“Giải pháp trước mắt, chúng tôi đã đề nghị về huyện cho xe chở nước và hiện nay mỗi ngày có từ 2 – 4 xe với tổng lượng nước từ 8 - 40m3 nước (2 loại xe, loại 4m3 và loại 10m3). Với lượng nước này chỉ có tính chất cầm chừng nên địa phương cũng yều cầu bà con ra sức nạo vét các giếng, suối… tận dụng tối đa các nguồn nước để sinh hoạt và phục vụ sản xuất” - ông Trần Văn Việt cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn xã Cửa Dương đã có cả trăm hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt có trên 20 hộ trong nhà không còn giọt nước nào nên phải đi mua hoặc lấy nước từ các nơi khác. Nhiều hộ tận phải dụng nguồn nước tưới tiêu để sinh hoạt.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch ỦBND huyện Phú Quốc cho biết, tình hình khô hạn, thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra ở một xã như Cửa Dương, xã Bãi Thơm, xã Cửa Cạn, trong đó xã chịu nặng nề nhất là xã Cửa Dương. Đây cũng là địa phương diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện, hiện có gần 300 ha đất trồng tiêu.
Trước tình hình thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất vừa qua, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức chở nước cấp miễn phí cho bà con, mỗi ngày cả chục chuyến xe. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các địa phương cùng người dân nạo vét các sông suối, giếng khơi, ao hồ, tận dụng nguồn nước mặt tự nhiên còn lại, đào hố, lót tăng (vải bạt) để tái sử dụng nguồn nước tưới và ứng dụng các biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước. Huyện đã chỉ đạo các địa phương thống kê diện tích tiêu bị thiệt hại vì thiếu nước.
Về giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất trên địa bàn xã Cửa Dương, Chủ tịch xã Trần Văn Việt cũng như người dân xã Cửa Dương, xã Cửa Cạn mong mỏi dựa án xây hồ chứa nước Cửa Cạn sớm thực hiện. Ngoài ra, riêng hồ chứa nước Dương Đông (đặt trên địa bàn xã Cửa Cạn) chủ yếu phục vụ nước sinh hoạt cho thị trấn Dương Đông, bà con ở xã Cửa Dương nhiều năm qua mong muốn được tiếp cận nguồn nước này, nhất là trong đợt khô hạn, thiếu nước như hiện nay.
Nguyễn Hành