1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ninh:

Danh thắng Yên Tử có nguy cơ biến dạng bởi… than

(Dân trí) - Một quyết định của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho phép Tổng Công ty Đông Bắc khai thác than bằng phương pháp hầm lò tại xã Tràng Lương (huyện Đông Triều) đang khiến dư luận lo ngại làm biến dạng khu di tích Yên Tử.

Danh thắng Yên Tử có nguy cơ biến dạng bởi… than - 1
Rừng thiêng Yên Tử lại kêu cứu vì nguy cơ... sụp (ảnh: QC).
 
Sự việc được UBND thị xã Uông Bí phát hiện vào ngày 27/3/2009, khi Công ty TNHH một thành viên 91 (Tổng Công ty Than Đông Bắc - TKV) có công văn gửi UBND thị xã Uông Bí, huyện Đông Triều để mời cùng tham gia vào việc bàn giao, công bố mốc giới và làm các thủ tục để công ty tiến hành việc khai thác than tại khu Đông mỏ Khe Chuối theo quyết định được ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (thừa ủy quyền Bộ Trưởng TN&MT) phê duyệt ngày 31/12/2008.

Theo Quyết định số 2809/GP-BTNMT được Bộ TN&MT phê duyệt cũng như tại buổi làm việc giữa các bên liên quan để đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng đặc dụng bảo vệ di tích - Danh thắng Yên Tử thì toàn bộ diện tích 0,18 km2 với trữ lượng khai thác 754.660 tấn than, khai thác ở mức sâu từ +500 đến mức +100m và công suất 30.000 tấn/năm trong thời hạn 14 năm nằm hoàn toàn trong khoảnh 1, tiểu khu 9B rừng đặc dụng Yên Tử.

Trước đó, vào ngày 23/4/2001, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1068 do ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt dự án đầu tư rừng đặc dụng Yên Tử giai đoạn 2001 - 2010.

Tại khoản 2 điều 1 của công văn ghi rõ: “Phạm vi ranh giới vùng dự án: Tổng diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng là 2.686,5ha, ở 3 tiểu khu: số 9,32,36 thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí”.

Sau khi biết sự việc, đã có dư luận phản ứng từ người dân và lo lắng từ các cơ quan liên quan, đặc biệt UBND thị xã Uông Bí và Trung tâm quản lý di tích Danh thắng Yên Tử đã đề nghị xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến đặc khu Di tích Quốc gia này.

Các chuyên gia nhận định, khi khai thác than đơn vị thi công sẽ đi sâu vào các vỉa 4, 5, 7 theo chiều ngang (xuyên vào trong lòng quả núi). Để tận thu than thì bắt buộc phải phá hỏa, như thế sẽ tạo ra các khoảng rỗng lớn bên trong làm biến dạng bề mặt bên trên gây rạn nứt mặt đất. Với hướng khai thác này sẽ đi thẳng vào khu vực di tích Yên Tử, trực tiếp ảnh hưởng đến chùa Hoa Yên.

Khu vực chùa Hoa Yên là nơi có hệ thống cáp treo hàng năm vận chuyển hơn 1,5 triệu lượt du khách đến Yên Tử du lịch và thưởng ngoạn văn hóa tâm linh. Theo bản đồ quy hoạch được xác định, từ cửa khai thác than chỉ cách trung tâm di tích Yên Tử chưa đến 1.000m theo đường thẳng.

Một nguyên nhân chính được xác định dựa trên bản đồ quy hoạch, chỉ có khai thác theo hướng đi vào di tích mới có trữ lượng than dồi dào. Như thế, việc khai thác than tại đây sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan cũng như sẽ đe dọa trực tiếp làm biến dạng di tích Yên Tử.

Kết quả kiểm tra thực địa tại mặt bằng khu Đông mỏ khe Chuối giữa Bộ TN&MT cùng các cơ quan liên quan Quảng Ninh đã có kết quả là điểm 5 và các điểm 1, 2, 3, 4, 6 (các điểm khép góc diện tích 0,18 km2) nằm trong diện tích khu rừng đặc dụng Yên Tử. Do việc sử dụng các hệ tọa độ khác nhau trong bản đồ khu vực khai thác than và bản đồ quản lý tài nguyên rừng…

Tại biên bản kiểm tra được lập ngày 3/4/2009, đoàn công tác Bộ TN&MT xác định toàn bộ diện tích 0,18km2 Bộ đã cấp phép khai thác than cho Tổng Công ty than Đông Bắc không nằm trong vùng cấm và hạn chế khai thác khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh được nêu trong văn bản số 491/CP-CN ngày 13/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, UBND thị xã Uông Bí nhận thấy trên thực tế toàn bộ diện tích 0,18km2 đã nằm trong rừng đặc dụng Yên Tử thuộc khu bảo vệ Di tích - Danh thắng Yên Tử và nếu để Tổng Công ty khai thác than Đông Bắc khai thác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng đặc dụng, đến khu di tích Yên Tử.

Bên cạnh đó, rừng đặc dụng Yên Tử đang trong quá trình xúc tiến đề nghị nâng cấp thành vườn Quốc gia Yên Tử. Với khu vực khai thác 0,18 km2 nằm trong vùng rừng đặc dụng và cũng thuộc về khu vực bảo vệ di tích, cần phải được bảo vệ nguyên trạng theo điều 32 Luật bảo vệ Di sản văn hóa.

Mới đây, UBND thị xã Uông Bí đã có báo cáo số 79/BC-UBND gửi UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét có ý kiến đề nghị Bộ TN&MT dừng cấp phép khai thác than tại khu vực rừng đặc dụng Di tích - Danh thắng Yên Tử này.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 22/4, bà Nhữ Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc Bộ TN&MT phê duyệt cho Tổng Công ty than Đông Bắc khai thác than trong khu vực rừng đặc dụng Yên Tử đã được UBND tỉnh họp bàn với các cơ quan liên quan để cùng xem xét vấn đề”.

Để giải quyết sự việc, UBND tỉnh đã có buổi làm việc cụ thể về vấn đề trên với ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT và Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch đã đi đến thống nhất cuối cùng là Bộ sẽ cho khảo sát lại khu vực ảnh hưởng đến rừng đặc dụng Yên Tử để điều chỉnh tránh khu vực này.

“Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyên đã có ý kiến thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh là sẽ chỉ đạo điều chỉnh, xem xét lại quyết định cấp phép cho đơn vị khai thác không cho khai thác than ở khu vực ảnh hưởng đến khu Di tích - Danh thắng Yên Tử” - bà Liên cho biết thêm.

Quốc Cường