1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đang kiểm tra, chỉ đạo công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng ở TPHCM

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự vừa công bố quyết định về việc kiểm tra, chỉ đạo công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng và công tác đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá trên địa bàn TPHCM.

Đang kiểm tra, chỉ đạo công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng ở TPHCM - 1
Ông Nguyễn Văn Lực - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

Theo thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự, 12 tháng qua Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã thụ lý 4.541 việc, tương ứng với số tiền là trên 63.321 tỷ đồng. Kết quả đã giải quyết được 519 việc thu được số tiền là trên 4.195 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 24,14 % về việc và 36,81 % về tiền).

Cục Thi hành án dân sự TPHCM đánh giá số lượng án tồn đọng chuyển kỳ sau còn cao; một số vụ việc chưa được các chấp hành viên quyết liệt tổ chức thi hành. Vẫn còn nhiều vụ việc chấp hành viên chậm giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua…

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo cơ quan này thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của đoàn kiểm tra; báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu trung thực, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của báo cáo.

Còn đoàn kiểm tra phải nghiêm túc, trách nhiệm, kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm của chấp hành viên, để có các giải pháp giúp Cục Thi hành án dân sự TPHCM giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với vụ việc, từ đó góp phần nâng cao kết quả công tác thi hành án dân sự.

Trước đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã lập Tổ công tác để nghiên cứu, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng ở 23 địa phương phía Nam .

Trong đó, ông Nguyễn Văn Lực - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được giao làm Tổ trưởng. Ông Trần Phương Hồng - Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên làm Tổ phó.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là phối hợp với cơ quan có liên quan ở trung ương, địa phương để nghiên cứu, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng ở 23 địa phương phía Nam, từ tỉnh Phú Yên đến Cà Mau - nhất là những vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“Trước mắt tập trung trọng điểm ở các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Khánh Hoà”- quyết định nêu rõ.