Bình Thuận:
Dân xới tung rừng tìm “đá đen”
(Dân trí) - Thời gian gần đây, người dân xã Mê Pu, huyện Đức Linh (Bình Thuận) và những vùng lân cận thi nhau bỏ nương rẫy, đổ xô vào rừng Mê Pu 1 để đào xới, tìm kiếm một loại đá mà dân địa phương gọi là “đá đen”. Loại đá này có giá bán trên thị trường là 110-120 nghìn đồng/kg.
Ông N.H.T ngụ tại xã Đa kai chỉ vào 2 bọc đá đen mà người quen vừa gửi, nói: “Không biết trong đó có chất gì, mà giá rất cao. Ngay cả những người đi đào cũng không biết đó là loại đá gì, chỉ biết nó có ánh kim màu vàng”.
Ông T liên lạc qua điện thoại với một người quen tên B.Đ, ở Mê Pu, nhờ dẫn đường đưa tôi đi đào đá. Người phụ nữ tên B.Đ nhiệt tình chỉ dẫn tôi cụ thể. Chị này cho biết hiện kiểm lâm đang làm rất chặt nhưng vì lợi nhuận cao nên người dân vẫn tìm mọi cách để vào rừng tìm đá.
Tôi ngỏ ý nhờ chị dẫn đi, chị thẳng thắn: “Nếu muốn đi thì tự đi thôi, ai lo thân người đó”. Chị cho biết ở xã chị, có nơi cả thôn cùng đi đào đá, từ con nít đến người lớn, thu nhập ít nhất mỗi ngày cũng được 60.000 đồng/người; có người kiếm được vài trăm nghìn. Con trai chị hiện cũng đang vào rừng đào đá.
Đá đào được, người dân mang bán cho 2 đầu nậu: Một người tên Đ, thợ may ở ngã 3 Mê Pu; một người phụ nữ tên H, ngụ cùng địa phương. Hỏi họ sẽ mang đá này đi đâu, chị B.Đ nói không biết, chỉ thấy lâu lâu có vài người ở TPHCM xuống gom hàng.
Người dân cũng thắc mắc không biết đá đó chứa những kim loại gì. Một vài người nói là có Niken, người nói có thiếc, người nói là vàng non. Khi cầm thử một mẫu đá, có cảm giác đó là một kim loại có phân tử lượng rất nặng, thành phần kim loại chiếm phần trăm rất lớn. Điều đặc biệt là các viên đá đều có hình khối hình chữ nhật như đã được đúc sẵn, có ánh kim màu vàng nhạt, đẹp mắt.
Vùng rừng Mê Pu 1, nơi có những đồi núi hoang sơ, cảnh thiên nhiên rất đẹp, trước đây vốn ít có dấu chân con người lui tới. Từ ngày sốt chuyện đào “đá đen”, cả một vùng rừng núi đã bị cày xới, bới móc không thương tiếc. Vấn đề nhức nhối này đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ngay trước mắt lực lượng kiểm lâm.
Chuyện lực lượng kiểm lâm “ăn” tiền của “đá tặc” nên nhắm mắt làm ngơ là có thật. Loại “đá đen” đó chứa kim loại gì hiện vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng chắc chắn những tay buôn có nghề không bỗng dưng bỏ hàng trăm nghìn ra để mua những viên đá vô dụng.
Dương Cầm