1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khánh Hòa:

Dân vật vạ chờ chực cả đêm để "ghi danh" làm thủ tục đất đai

Trung Thi

(Dân trí) - Để làm được thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai, nhiều người dân ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã phải chờ chực xuyên đêm trước bộ phận một cửa ghi số, giữ số chờ làm giấy tờ.

Dân ngủ ngoài đường để chờ làm thủ tục đất đai

Sau khi có thông tin huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) được quy hoạch thành đô thị sân bay và văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa thông báo "Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị sân bay" khiến nhu cầu chia tách đất đai, gia hạn sổ đỏ của người dân Cam Lâm tăng chóng mặt.

Theo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Cam Lâm, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 19.000 hồ sơ gửi lên Chi nhánh, con số này gần bằng cả năm trước đây, trong khi đó một ngày Chi nhánh chỉ nhận giải quyết được 50 người (mỗi người nhiều hồ sơ) từ đó dẫn đến việc ùn ứ, túc trực cả đêm để ghi danh làm giấy tờ.

Dân vật vạ chờ chực cả đêm để ghi danh làm thủ tục đất đai - 1

Người dân chờ chực cả đêm trước bộ phận một cửa Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Cam Lâm để chờ làm thủ tục đất đai (Ảnh: Ninh Thuận).

Ghi nhận lúc 0h ngày 25/4, hàng chục ô tô và xe máy đậu đầy trước cổng bộ phận một cửa Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cam Lâm để chờ làm thủ tục đất đai, họ chia ra thành từng nhóm nhỏ để nói chuyện, cũng có người tìm chỗ "chợp mắt" chờ đến sáng.

Trải tấm vải cũ trước trụ sở bộ phận một cửa huyện Cam Lâm để "bám trụ" chờ làm thủ tục tách thửa, ông Nguyễn Kiến (70 tuổi trú xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cho hay do tuổi đã cao nên ông quyết định tách thửa đất 1.700m2 chia cho các con của mình. Thế nhưng vì đông người cần làm thủ tục nên ông đến sớm để ghi danh và quyết định ngủ tại đây để "bám trụ" chờ đến sáng nộp hồ sơ.

"Tôi đến đây từ rất sớm và ghi được số 17, giờ nằm đây chờ đến sáng để vào lấy số nộp hồ sơ tách thửa đất 1.700m2 chia cho mấy đứa con" - ông Kiến nói.

Dân vật vạ chờ chực cả đêm để ghi danh làm thủ tục đất đai - 2

Ông Nguyễn Kiến quyết định "bám trụ" xuyên đêm để làm thủ tục tách thửa (Ảnh: Ninh Thuận).

Theo người dân, mỗi ngày VPĐKĐĐ chỉ nhận 50 hồ sơ, trong khi đó số lượng người cần làm thủ tục lại đông hơn nhiều nên để tránh việc xô đẩy tranh giành nhau lúc nộp hồ sơ, người làm thủ tục nhà đất đến trước bộ phận một cửa để ghi số thứ tự và tên vào tờ giấy A4 (do người dân tự thỏa thuận với nhau).

Gần sáng, người dân điểm danh, nếu ai không có mặt sẽ bị gạch tên thế chỗ cho người khác. Do đó, họ phải nằm chờ đến khi điểm danh.

"Trước đây, ngày nào ghi số thứ tự ngày đó nên hôm nào người dân cũng phải túc trực để chờ. Mấy hôm nay, thực hiện ghi số thứ tự theo tuần từ thứ 2 đến thứ 6 nên người dân chỉ tập trung vào tối Chủ nhật. Việc này giúp người dân trật tự khi bốc số nộp hồ sơ" - ông Nguyễn Minh Tiếp (trú xã Suối Hiệp, Huyện Cam Lâm) cho hay.

Huyện chỉ đạo chấn chỉnh

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Xuân Tây - Phó Bí thư huyện Cam Lâm - cho biết sau khi nhận thông tin về vụ việc người dân chờ chực cả đêm bốc số làm thủ tục đất đai, huyện đã họp bàn phương án và yêu cầu công an huyện không để người dân tụ tập gây mất trật tự.

Theo Phó Bí thư huyện Cam Lâm, không có quy định nào cho phép hạn chế chỉ nhận 50 số thứ tự một ngày, do đó sau khi họp bàn thống nhất, huyện đã yêu cầu bộ phận một cửa huyện Cam Lâm để người dân bốc số thứ tự không giới hạn.

"Việc tự đặt ra một ngày chỉ nhận 50 số thứ tự là trái quy định. Huyện đã chỉ đạo phải để người dân bốc số thứ tự không giới hạn và nhận hồ sơ đúng giờ làm việc hành chính theo quy định của pháp luật" - ông Tây nói.

Nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, bộ phận một cửa huyện Cam Lâm đã mở cửa cho người dân vào bấm số tự do.

Ông Nguyễn Thành Đức - phụ trách bộ phận một cửa huyện Cam Lâm, cho biết sau khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo huyện, từ ngày 25/4 bộ phận một cửa đã mở cửa cho người dân vào bấm số tự do. Từ đó không còn việc người dân chờ chực cả đêm để bốc số như trước.

Theo ông Đức, bộ phận tiếp nhận hồ sơ giải quyết đất đai chỉ có 2 người. Vì vậy, năng lực chỉ giải quyết khoảng 50 người (mỗi người có thể có nhiều hồ sơ).

"Việc bốc số tự do nhằm để người dân có số trên tay, an tâm chờ đợi, chứ không phải chờ chực cả đêm như trước đây nữa. Tuy nhiên về lâu về dài cần bố trí thêm người để thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ thì mới giải quyết triệt để được" - ông Đức trao đổi với phóng viên Dân trí.