Khánh Hòa:

Bất động sản "ấm lại" ở vùng quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm

Trung Thi

(Dân trí) - Bất động sản ở vùng quy hoạch "đô thị sân bay" Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa rục rịch "ấm" lại sau nhiều tháng "đóng băng". Giới chuyên gia nhận định việc đầu tư "ăn theo" quy hoạch này đầy rủi ro.

Nhân viên cây xăng thành "cò đất"

Sau khi có thông tin về việc Chính phủ đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) với mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế và một tập đoàn có ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị ở huyện Cam Lâm và một phần TP Cam Ranh đã làm thị trường bất động sản (BĐS) ở huyện này dần ấm trở lại sau một khoảng thời gian "đóng băng".

Bất động sản ấm lại ở vùng quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm - 1

Nhiều khu đất vùng quê ở Cam Lâm được rao bán với giá cao.

Phóng viên Dân trí trong vai một người tìm mua BĐS ở huyện Cam Lâm, mặc dù rất bận đổ xăng cho khách, nhưng anh N.V.T. (nhân viên cây xăng - trú xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn nhanh chóng tiếp cận để giới thiệu hàng loạt lô đất tại xã Cam Hiệp Nam.

"Anh cần mua đất gì?, đất thổ cư tôi cũng có mấy lô giá 300 - 700 triệu đồng một mét ngang, còn đất trồng cây hàng năm ở vùng giáp ranh hoặc trong khu quy hoạch dự án đại đô thị cũng có, giá từ 300-500 triệu đồng một sào (1.000m2)", anh T. nhanh miệng tiếp thị.

Sau khi phóng viên rời đi và để lại số điện thoại, nhân lúc nghỉ trưa, anh T. tiếp tục điện thoại nhiều lần để mời chào: "Nếu đầu tư thì anh nên đầu tư sớm mới có lãi, thị trường đang ấm dần lại. Hầu hết những người có đất đều ôm "chờ thời", đất của tôi giới thiệu chỉ vì họ cần tiền gấp nên bán, do đó khả năng sinh lời cao, khoảng một tháng là kiếm tiền trăm triệu ngay".

Bất động sản ấm lại ở vùng quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm - 2

Khu đất trồng mía được giới thiệu có người trả gần 2 tỷ đồng ở xã Cam An Nam.

Đi tiếp vào khu vực xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm), tại đây, nhiều người dân cũng có lời chào bán đất, dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng chừng 4 m vào khu đất trồng mía ở làng quê, chị N.T.H. (trú xã Cam An Nam) giới thiệu: "Khu đất này trước Tết họ đã trả 110 triệu đồng một mét ngang, tôi đòi 120 triệu đồng. Đất có tổng chiều dài là 18 m, loại đất là đất trồng cây hàng năm, giờ cũng giá đó (110 triệu đồng). Nếu chú mua, tôi sẽ về nói với ông xã làm thủ tục chuyển nhượng".

Cũng theo bà H., đã có nhiều khách Hà Nội, TPHCM vào đây mua đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm, sau đó làm thủ tục "lên thổ cư" phân ra từng lô nhỏ bán kiếm lời.

Liên lạc một số điện thoại với nội dung bán đất nền tại Cam Lâm "gần trung tâm hành chính" giá 500-900 triệu đồng, phóng viên nhận được lời tiếp thị của một người tên Lực cho biết: "Đây đều là đất đã lên thổ cư và giá khá mềm từ 6,5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/m2 vì mới mở bán đợt đầu, đợt 2 sẽ lên 8-10 triệu đồng/m2 nên ai đầu tư sẽ có khả năng lãi nhanh. Vị trí nằm gần trung tâm hành chính và cũng giáp ranh khu đại đô thị sắp hình thành ở Cam Lâm. Khi mua đợt này sẽ được ưu đãi 3 chỉ vàng/lô".

Anh Lực cũng cho rằng, đất ở Cam Lâm đang ấm dần trở lại nên muốn đầu tư cần "xuống tiền sớm" để có lãi.

Thông tin quy hoạch sẽ được công khai

Ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm - cho biết, để tránh tình trạng giới đầu cơ tung tin thất thiệt, gây sốt đất ảo, UBND huyện đã có chủ trương công khai đầy đủ quy hoạch các dự án, định hướng phát triển để người dân có quyết định đúng về tài sản của mình.

"Vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường thông tin đến các xã, thị trấn để người dân hiểu được các quy hoạch, chiều hướng phát triển quy hoạch của huyện, cụ thể như Cam Lâm sắp đến sẽ quy hoạch khu đô thị, trên cơ sở những thông tin đó thì người dân chọn lựa cách xử lý tài sản của mình" - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nói.

Bất động sản ấm lại ở vùng quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm - 3

Nhiều quảng cáo mời chào mua đất ở Cam Lâm với "giá đầu tư".

Còn theo ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa - cho rằng, việc "ăn theo" dự án đại đô thị như ở Cam Lâm là đầy rủi ro.

"Đối với các chủ đầu tư khác thì nhà đầu tư còn có thể "ăn theo", "hưởng sái" nếu có thời gian tìm hiểu, tuy nhiên đối với các dự án đại đô thị thì lại khác hoàn toàn, thường những dự án này sẽ có những cụm tiện ích liền kề tách biệt hoàn toàn với các khu dân cư, nên việc "ăn theo" sẽ tồn tại nhiều rủi ro. Vì vậy, trước khi đầu tư, người mua cần phải tìm hiểu kỹ ở các kênh chính thống từ cơ quan chức năng, để không chịu phần thiệt về mình" - ông Hoàng nhấn mạnh.

Khánh Hòa siết việc chuyển mục đích sử dụng đất

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, nhằm tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh vừa ban hành quy định mới về kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng (đối với khu vực đô thị) hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn (đối với khu vực nông thôn) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Bất động sản ấm lại ở vùng quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm - 4

Khánh Hòa chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có.

UBND tỉnh Khánh Hòa nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra lại các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng của địa phương.