DNews

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32

Ngọc Tân

(Dân trí) - Bạn sinh sống ở Nhổn, bước lên tàu điện và 13 phút sau bạn đã có mặt ở đầu phố Đê La Thành. Tuyến tàu điện mới đang thay đổi cảm nhận về không gian của người dân phía tây Hà Nội.

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32

Không giống một người dân hiếu kỳ đi trải nghiệm, đối với Thùy Dung, thói quen đi làm bằng tàu điện sẽ bắt đầu từ hôm nay.

Sáng 8/8, trong ngày đầu tiên vận hành tàu điện Nhổn - ga Hà Nội, Dung không còn phải vịn tay ga len qua đám đông xe cộ. Cô cầm theo một túi đồ ăn trưa và chiếc ô gấp, nhanh nhẹn bước lên tuyến tàu điện nối thẳng từ nhà đến chỗ làm.

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 1

Người dân xếp hàng trải nghiệm tàu điện Nhổn - Cầu Giấy trong sáng 8/8 (Ảnh: Ngọc Tân).

Dấu gạch nối giữa nội đô và ngoại thành

Nhà ở Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), văn phòng làm việc ở đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Thùy Dung (lập trình viên) đã nếm đủ nỗi khổ tắc đường khi đi xe máy qua trục đường Hồ Tùng Mậu (quốc lộ 32) để đến công ty.

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 2

Với phương tiện mới là tàu điện, Thùy Dung kết thúc chuỗi ngày đi làm bằng xe máy từ hôm nay (Ảnh: Ngọc Tân).

"Đi tàu điện có điều hòa mát mẻ, không khói bụi, thời gian di chuyển nhanh gấp đôi xe máy", nữ lập trình viên liệt kê các tiện ích của tuyến tàu điện từ Nhổn đi Cầu Giấy. Sau khi xuống tàu tại ga Đại học Quốc gia, cô khẳng định sẽ để xe máy ở nhà, bắt đầu đi làm bằng tàu điện từ hôm nay.

Theo ước tính, nội thành Hà Nội có khoảng 7 triệu dân. Mỗi buổi sáng, có thêm 3 triệu lao động ngoại thành vào làm việc. Lượng người ra vào nội đô trong 2 khung giờ cao điểm sáng/chiều là lý do khiến các trục đường xuyên tâm như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy... thường xuyên ùn tắc.

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 3

Tuyến metro như dấu gạch nối giữa vùng ngoại thành Nhổn, Tây Tựu... với trung tâm Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân).

Năm 2021, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành đã giúp giảm tải đáng kể cho trục đường Nguyễn Trãi. Hôm nay, đến lượt tàu điện trên cao Nhổn - Cầu Giấy trở thành phương tiện giao thông tiện lợi cho người dân trên trục đường 32 - Xuân Thủy - Cầu Giấy.

"Công nghệ của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hiện đại hơn, khả năng thu hút khách sẽ ngang bằng, thậm chí hơn tuyến Cát Linh - Hà Đông vì nó đi qua rất nhiều trường đại học", ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro, chia sẻ.

Ước tính, 8 nhà ga trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy sẽ phục vụ đắc lực cho sinh viên của nhiều trường đại học như Đại học Công Nghiệp, Tài nguyên Môi trường, Đại học Thương Mại, Cao đẳng Múa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm, Đại học GTVT...

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 4
Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 5

"Nhà tôi ở tận Phù Lỗ, Sóc Sơn. Sáng nay tôi dậy sớm bắt xe buýt đến Từ Liêm để đi thử tàu điện Nhổn - ga Hà Nội", ông Trần Văn Luyến, một thương binh 80 tuổi chia sẻ với phóng viên.

Sống qua trận Mậu Thân 1968, vị cựu chiến binh chất phác nở nụ cười hạnh phúc khi thấy "đất nước ngày càng phát triển". Ông kể đời mình còn chưa bao giờ đi xe máy. Hồi ở Huế nhặt được chiếc honda, ngồi lên thử vít ga thì xe chồm lên làm ông ngã. Từ đó tới mãi sau này, ông chỉ đi xe đạp.

"Thời chúng tôi trèo đèo lội suối, bây giờ có tàu điện hiện đại thế này thì sướng quá. Người già như tôi được đi xe buýt và tàu điện miễn phí nên cứ có thời gian rảnh là lại đi tham quan khắp Hà Nội", ông Luyến vui vẻ nói.

Dáng dấp T.O.D phía tây thành phố

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội ra đời với ý tưởng kết nối trung tâm Hà Nội với một vùng nông thôn ngoại thành. Nó là công trình vận tải công cộng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giãn dân khỏi nội đô.

"Thành phố muốn thiết lập mô hình T.O.D xung quanh ga Nhổn, nơi quỹ đất còn nhiều để phát triển đô thị", ông Nghiêm phân tích.

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 6

Ga Nhổn với không gian đô thị xung quanh (Đồ họa: Ngọc Tân).

T.O.D - Transit Oriented Development - là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. 

Trong bối cảnh Hà Nội dự định áp dụng T.O.D tại nhiều tuyến metro trong tương lai, địa bàn Nhổn, Minh Khai, Tây Tựu với đầu mối là ga tàu điện Nhổn được xem như nơi đầu tiên để thể nghiệm.

Xung quanh ga Nhổn, loạt công trình "thân thiện" với người đi bộ như vỉa hè, hầm đi bộ, bến trung chuyển xe buýt, chung cư cao tầng... đã thành hình từ trước khi tàu điện vận hành.

Dân công sở ngày đầu đi tàu điện Nhổn, thoát cảnh ùn tắc trên đường 32 - 7

Một mặt bằng kinh doanh tại phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm) chuẩn bị khai trương sau ngày tàu điện Nhổn vận hành (Ảnh: Ngọc Tân).

Theo quan sát của phóng viên, lực lượng chức năng địa phương đã đi dẹp hàng rong, quán cóc 2 bên đường trong ngày vận hành tuyến tàu điện. Bên dưới các nhà ga, doanh nghiệp hào hứng sửa sang lại mặt bằng kinh doanh để đón luồng khách mới dự kiến tăng lên trong thời gian tới.

Nằm cách ga Nhổn 6km, dự án đường vành đai 4 Vùng thủ đô cũng đang thành hình. Những công trình giao thông tầm cỡ mọc lên ở ngoại ô giúp cho lời kêu gọi giãn dân khỏi nội đô trở nên thuyết phục.

Tuyến tàu điện được vận hành sẽ thổi luồng sinh khí mới vào mảnh đất ngoại ô phía tây của Hà Nội, nơi nhiều năm qua tốc độ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng.