1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu đón khách

Hà Mỹ

(Dân trí) - Từ 8h ngày 8/8, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại, phục vụ hành khách.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoạn trên cao được vận hành từ Nhổn đến Cầu Giấy bao gồm 8 ga từ S1 đến S8, lần lượt là các ga: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại Học Quốc Gia, Chùa Hà, Cầu Giấy.

Trong 3 tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ mở tuyến từ 5h30 để đón khách và kết thúc vào lúc 22h hàng ngày, tàu chạy đều đặn 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên vận hành là ngày 8/8, tàu bắt đầu đón khách từ 8h.

Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách, đơn vị vận hành sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.

Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.

Metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu đón khách - 1

18 năm kể từ thời điểm dự án được phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao từ 8h sáng 8/8 (Ảnh: Thành Đông).

Sau 15 ngày, giá vé tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy được quy định là 8.000 đồng cho chặng đi một ga và 12.000 đồng/lượt đi cả tuyến. Vé ngày có giá là 24.000 đồng, có giá trị trong ngày và không hạn chế số lượt di chuyển.

Người dân cũng có thể mua vé tháng với giá 200.000 đồng/tháng, ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên với mức 100.000 đồng/tháng. Nếu mua tập thể và không thuộc đối tượng ưu tiên, giá vé tháng là 140.000 đồng.

Thực hiện chính sách theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, vé được miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật.

Metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu đón khách - 2

Giao diện máy bán vé tự động tại nhà ga Nhổn - Ga Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân).

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven thủ đô vào sâu trong nội thành. Dự án được kỳ vọng giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.

Theo phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt được Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội hoàn thiện, dọc trục tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có 36 tuyến buýt đang hoạt động.

Trong đó, 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá; hai điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe buýt với chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng, chiều Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm dừng. 

Đánh giá tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội: Nhiều khác biệt với Cát Linh - Hà Đông (Video: Ngọc Tân).

Trước đó ngày 30/7, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) đã ban hành Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị cho đoạn trên cao của metro Nhổn - ga Hà Nội.

Toàn tuyến hiện còn đoạn ngầm từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội chưa hoàn thiện. Ngày 30/7, máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động. 

Dấu mốc vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã kết thúc chuỗi ngày "đơn độc" của tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Sự bổ trợ giữa hai tuyến metro được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân thủ đô.

Về hướng tuyến, metro Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông sẽ kết nối với nhau tại Cát Linh. Hà Nội đã có phương án xây hầm đi bộ cắt qua phố Hào Nam để hành khách từ ga Cát Linh có thể đi sang ga ngầm S10.

Theo Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 29/3, Hà Nội định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ.

Trong khi đó, đề cập tại dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô, Hà Nội vạch ra lộ trình đến năm 2030, thành phố phấn đấu xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 96,8km đường sắt đô thị. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 14.602 tỷ USD.