1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Ninh Thuận:

Đàn bò tót quý gày trơ xương bây giờ được chăm sóc thế nào?

Đức An

(Dân trí) - Hiện đàn bò tót đã được Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) tiếp nhận để chăm sóc và nhiều Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ chi phí để chăm nuôi đàn bò có gen quý này.

Ngày 6/10, ghi nhận tại trang trại nuôi đàn bò tót gồm 10 con F1 và 1 con F2 (thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), đàn bò đã được chuyển giao cho Vườn quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng, chăm sóc với chế độ ăn phù hợp nên đã có thịt có da trở lại, không gầy trơ xương hay như nằm bẹp một chỗ không đi nổi như vài ngày trước đây.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, khẩu phần ăn hiện tại của đàn bò bao gồm cỏ xanh, hỗn hợp cám và bắp khối.

Đàn bò tót quý gày trơ xương bây giờ được chăm sóc thế nào? - 1
Đàn bò sau vài ngày được chăm sóc đang dần phục hồi
Đàn bò tót quý gày trơ xương bây giờ được chăm sóc thế nào? - 2

Đàn bò đã được chuyển giao cho Vườn quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng

Chỉ tay vào hai con bò đen F1, anh Võ Đăng Khiêm - cán bộ Vườn quốc gia Phước Bình cho biết: “Hai con bò này đã nhảy đực (giao phối) vào hôm qua. Hiện tại, Vườn đang phân công cán bộ của Vườn trực tiếp chăm sóc cho đàn bò. Bò được ăn cỏ tươi, hỗn hợp cám và bắp khối. Có một con còn yếu hơn những con bình thường, chúng tôi đang chuẩn bị chuồng để tách ra nuôi riêng theo chế độ đặc biệt cho bò nhanh chóng phục hồi”.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Công Vân - Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết: “Ngày 5/10 vừa qua, Vườn quốc gia Phước Bình đã tiếp nhận đàn bò tót lai trong dự án của tỉnh Lâm Đồng bàn giao để chăm sóc. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác nguồn gien bò tót lai quý hiếm sau khi bàn giao”.

Đàn bò tót quý gày trơ xương bây giờ được chăm sóc thế nào? - 3
Nhân viên Vườn quốc gia Phước Bình mua thêm cỏ và các thức ăn khác để bồi dưỡng cho đàn bò

“Về kinh phí chăm sóc đàn bò, trước mắt sẽ dùng kinh phí từ UBND tỉnh Ninh Thuận. Hiện tại, UBND tỉnh đã hỗ trợ 100 triệu đồng để chăm sóc đàn bò. Đàn bò tót là giống gen quý nên dù có khó khăn như thế nào thì chúng tôi cũng cố gắng chăm sóc tốt sức khoẻ cho đàn bò”, ông Vân cho biết thêm.

Ngoài ra, sau khi có thông tin đàn bò tót này đói ăn, một số cá nhân đã chung tay hỗ trợ kinh phí để nuôi dưỡng đàn bò, góp phần giữ nguồn gen quý hiếm, tạo điều kiện cho du lịch khám phá, tìm hiểu thiên nhiên và nghiên cứu khoa học.

Anh Khoa Danh (ngụ phường Bảo An, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), một cá nhân đã ủng hộ tiền chăm bò tót, chia sẻ: “Chúng tôi góp chút ít kinh phí gửi cho Vườn quốc gia Phước Bình để mua cỏ cho bò ăn. Mong rằng đàn bò sẽ phát triển tốt trở lại để khách du lịch, các em học sinh, những nhà nghiên cứu có điều kiện học hỏi, khám phá, nghiên cứu”.

Đàn bò tót quý gày trơ xương bây giờ được chăm sóc thế nào? - 4
Một số cá nhân ủng hộ chi phí để nuôi dưỡng đàn bò
Đàn bò tót quý gày trơ xương bây giờ được chăm sóc thế nào? - 5
Trước đây, trang trại đàn bò tót này là một trong những địa điểm mà các đoàn du lịch hoặc đoàn nghiên cứu tìm đến để tham quan, tìm hiểu

Trước đây, trang trại đàn bò tót này là một trong những địa điểm mà các đoàn du lịch hoặc đoàn nghiên cứu tìm đến để tham quan, tìm hiểu. 

Được biết, để tiếp tục nghiên cứu về giống bò lai này và có điều kiện chăm sóc đàn bò này tốt hơn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025", trong đó có dự án "Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien bò tót lai F1 giai đoạn 2021-2025".

Sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định phê duyệt đề án thì sẽ thành lập hội đồng thẩm định thuyết minh và kinh phí; trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt thuyết minh, kinh phí dự án để triển khai thực hiện. Dự kiến, chương trình này sẽ hoàn thành trong tháng 12/2020.

Đàn bò tót F1 đang được nuôi dưỡng tại xã Phước Bình thuộc đề tài cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa” do Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám (nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài.

Đề tài này triển khai nghiên cứu từ năm 2016 với kỳ vọng sẽ lai thành công cá thể bò tót lai F2, F3 để nhân rộng nguồn gen giúp cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt; hướng tới xây dựng thương hiệu bò tót lai của ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận và cả nước. Tuy nhiên, gần đây đàn bò trong tình trạng thiếu ăn, gầy trơ xương.

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Dự án nghiên cứu bò tót lai đã được hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận ký kết hợp tác chia sẻ nguồn gen, nghiên cứu trong 3 năm với kinh phí gần 3 tỷ đồng, từ tháng 6/2019 đã hết kinh phí. Hơn một năm nay đơn vị tự bỏ tiền thuê người dân chăm sóc”.