1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

An Giang:

Dân bàng hoàng kể cảnh tượng 14 căn nhà bị "nuốt chửng"

(Dân trí) - Đã bước sang ngày thứ 3, nhưng khi kể lại cảnh tượng 14 căn nhà đổ sụp xuống sông trong chớp mắt, nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng kinh hãi. Thoát chết trong gang tấc, người dân vùng sạt lở giờ không mong nhà lầu, xe hơi..., chỉ mong được bình an.

Bà Trần Thị Hiệp – nhà đối diện với dãy nhà bị đổ sụp xuống sông vào sáng 22/4 - chưa hết bàng hoàng kể lại: "Lúc đó khoảng 9 giờ sáng, tôi nghe tiếng động lớn bên nhà ông Bi (ông Trần Văn Bi – chủ căn nhà to như biệt thự). Tôi bước ra nhìn căn nhà ông Bi và dãy nhà liền kề với ông Bi thì thấy dãy nhà lắc lư mạnh, sau đó là đổ sụp hoàn toàn xuống sông. Tôi hoảng quá, bỏ chạy bị té sưng cả cằm".

Người dân kể lại cảnh tượng 14 căn nhà đổ sụp xuống sông

Còn chị Lê Thị Chính sống cách khu vực sạt lở khoảng 100m kể: "Lúc đó, tôi nghe một tiếng ầm, tôi vừa nhìn về nơi âm thanh phát ra như trời đánh thì thấy toàn bộ dãy nhà trong vùng điểm nóng đổ sụp xuống sông hoàn toàn. Bà con rất hoảng loạn, mạnh ai nấy chạy, có người té bò càng, tôi cũng bị té… Cũng may mọi người bình an hết".


Những bà con đang tá túc tại trường tiểu học A Vĩnh Hội Đông đang tìm chỗ để dời đi vì khu vực này cũng chưa đảm bảo an toàn.

Những bà con đang tá túc tại trường tiểu học A Vĩnh Hội Đông đang tìm chỗ để dời đi vì khu vực này cũng chưa đảm bảo an toàn.

Ông Trương Chí Thoàng bàng hoàng kể: "Tôi ở cả đời nơi này chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở xảy ra. Cũng may cơ quan chức năng đã đến khảo sát và thông báo cho bà con di dời trước, chứ nếu không vụ sạt lở đã trở thành một thảm họa, vì nó diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ… Nếu cách đây 2 ngày, bà con không di dời đi thì khó lòng chạy thoát thân".

Ông Thoàng kiến nghị ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và khắc phục để thông báo cho bà con khi nào về nhà ở được; vì thực tế những người không bị sông "nuốt" nhà cũng đang phải đi tá túc nơi khác, không dám ở gần điểm sạt lở.


Bà Nguyễn Thị Điệp đã dọn hết đồ đạc trong nhà nhưng vẫn còn nán lại chưa muốn đi

Bà Nguyễn Thị Điệp đã dọn hết đồ đạc trong nhà nhưng vẫn còn nán lại chưa muốn đi

Chị Chín và nhiều người dân ở đây chia sẻ, sau sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sau đó đặt chốt chặn hai đầu và bố trí lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc. Song song đó, chính quyền địa phương cũng lo chuyện ăn ở cho bà con.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới - cho biết, tính đến cuối giờ chiều 23/4, không có thêm căn nhà nào bị cuốn xuống sông. Nhưng khoảng 14 giờ chiều có một căn nhà bị rung chuyển mạnh mà chưa đổ sập. Việc này cho thấy khu vực này có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngoài việc chốt chặn hai đầu 24/24h, huyện còn thường xuyên tuyên truyền trên loa để người dân ý thức không vào vùng sạt lở.


Trường tiểu học A Vĩnh Hội Đông được tận dụng làm nơi ở tạm cho bà con nên việc học của các cháu học sinh đang bị ảnh hưởng.

Trường tiểu học A Vĩnh Hội Đông được tận dụng làm nơi ở tạm cho bà con nên việc học của các cháu học sinh đang bị ảnh hưởng.

Ông Thao cũng cho biết, ngày 22/4, địa phương đã chọn được đất và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng ngay khu dân cư mới theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chiều 23/4, huyện đã cho cán bộ xã lập danh sách những hộ dân trong vùng sạt lở có nhu cầu vào khu dân cư mới. Khi bà con mua nền, địa phương bán đất theo giá quy định của Nhà nước và cho bà con trả chậm đến 10 năm.


Bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy An Giang cùng các lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi và tặng quà cho người dân có nhà bị đổ sụp xuống sông.

Bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy An Giang cùng các lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi và tặng quà cho người dân có nhà bị đổ sụp xuống sông.

Sáng qua 23/4, bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy An Giang cùng lãnh đạo tỉnh An Giang, các ban ngành đoàn thể đã đến khảo sát và thăm hỏi bà con vùng sạt lở.

Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, bà Xuân chỉ đạo UBND tỉnh An Giang và huyện Chợ Mới tiếp tục nắm sát tình hình sạt lở, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho người dân; ưu tiên bố trí chỗ ở tạm cho những hộ dân bị ảnh hưởng; chăm lo đời sống cho người dân để bà con sớm ổn định tâm lý; Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới có phương án hợp lý để các cháu học sinh trên địa bàn không bị gián đoạn việc học, nhất là đang trong giai đoạn các em học sinh chuẩn bị thi học kỳ cho đến hết năm học; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền xã Mỹ Hội Đông nhanh chóng thống kê các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ bà con, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Dân bàng hoàng kể cảnh tượng 14 căn nhà bị "nuốt chửng" - 5

Chị Lê Thị Chính cho biết, vợ chồng chị tiết kiệm và mượn thêm tiền xây căn nhà 300 triệu đồng, ở chưa được bao lâu, nay đối mặt với cảnh không nhà không cửa.

Ông Võ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới - cho biết, do trường tiểu học A Mỹ Hội Đông nằm trong vùng sạt lở (tính từ đường nhựa liên xã vào 15m, theo Sở TN-MT tỉnh cảnh báo) nên UBND huyện tạm thời thông báo cho học sinh trường này nghỉ học trong 2 ngày (ngày 24-25/4/2017). Trong thời gian tới nếu tình hình sạt lở diễn biến xấu thêm, địa phương đề xuất với Sở Giáo dục chuyển các em học sinh đến cơ sở khác học tạm, đảm bảo việc học tập và thi học kỳ II. Về lâu dài, địa phương đã tính đến chuyện xây trường mới.

Nguyễn Hành