1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia Lai:

Đại tướng sống mãi trong lòng đồng bào Tây Nguyên

(Dân trí) - “Đại tướng mất nhưng tinh thần, chủ trương, chiến lược… của Đại tướng không bao giờ mất. Đại tướng vẫn sống mãi trong lòng tôi và người dân Tây Nguyên nói riêng, người Việt Nam nói chung”, người vinh dự được gặp Bác Giáp 4 lần - bà Rơ Châm H’Jéo tâm sự.

Dẫu biết rằng chẳng ai có thể chống lại được quy luật sinh - lão - bệnh - tử của tự nhiên, song nghe tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai cũng bàng hoàng thương tiếc. Bởi với người dân Việt Nam, hình bóng Đại tướng luôn gần gũi như một vị cha già, chẳng ai muốn rời xa. Với những người từng tham gia kháng chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng và từng được gặp Đại tướng, nỗi đau mất mát này càng hiện rõ.

Là một người con của buôn làng Tây Nguyên có may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng Đại tướng 4 lần, mấy ngày nay, kỉ niệm về những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại trỗi dậy mãnh liệt trong bà H’Jéo (63 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai. Bà H’Jéo kể, trong chiến tranh, gia đình bà có 12 người đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc, chính vì vậy, lòng căm thù quân xâm lược trong bà vô cùng mạnh mẽ, thôi thúc bà tham gia cách mạng từ những năm 1967. Sau giải phóng, bà vẫn tiếp tục tham gia quân ngũ. Đến năm 1977, sĩ quan quân đội H’Jéo nhận được quyết định tăng cường về làm công tác dân vận ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Năm 1980, lần đầu bà H’Jéo vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Đại tướng và Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm Tây Nguyên. Bà không quên lời dặn của Đại tướng khi trò chuyện với anh em cán bộ chiến sĩ tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi làng là một pháo đài. Nên chúng ta muốn bảo vệ tốt thì phải trồng cây để che tầm ngắm của quân thù, để ngụy trang xe, ngụy trang quân chủ lực…”.

Bác Giáp với đồng bào dân tộc Tây Nguyên
Bác Giáp với đồng bào dân tộc Tây Nguyên
Bác Giáp với đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Lần thứ 2 bà được gặp Đại tướng là ở Hà Nội, lúc này bà Jéo là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai - Kon Tum, được ra Hà Nội dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ 5.

Lần thứ 3 là vào năm 1989, khi Đại tướng trực tiếp đến tận cửa khẩu Lệ Thanh, Gia Lai đón các chiến sĩ bộ đội Việt Nam trở về nước sau khi giúp nước bạn Campuchia chống lại kẻ thù diệt chủng. Dịp này, Đại tướng có làm việc tại UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum, lúc bấy giờ, bà H’Jéo cũng may mắn có mặt và bà vẫn nhớ như in những lời Đại tướng dặn dò: “Tây Nguyên phải phát huy truyền thống quê hương Anh Hùng Núp bất khuất, kiên cường… Chúng ta đánh thắng giặc Pháp, chúng ta đánh thắng Mỹ, bây giờ chúng ta đánh thắng biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam. Do đó, dân tộc ta thực hiện theo thư của Bác Hồ gửi đồng bào Tây Nguyên phải đoàn kết Kinh - Thượng, đoàn kết Lương - Giáo…”, bà H’Jéo bồi hồi nhớ lại.

Và lần cuối cùng có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với bà H’Jéo chính là năm 1998 tại Hà Nội, nhân dịp kỉ niệm 30 năm Chiến dịch mậu thân 1968-1998. Tại đây, bà đã được Đại tướng vỗ vai, nói chuyện rất giản dị, thân mật. Biết bà là bộ đội địa phương từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, Đại tướng ân cần: "Tham gia chiến dịch này nữ quân nhân thì nhiều, nhưng nữ quân nhân dân tộc như cô thì rất ít. Cô cố gắng làm việc cho đồng bào dân tộc mình, cô cố gắng đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng cho đồng bào họ hiểu. Cố gắng làm việc cho phụ nữ, cho người dân làm được nhiều lúa, nhiều gạo, nhiều cà phê, nhiều tiêu… để đồng bào mình bớt khó khăn hơn, đưa được con em người dân tộc đi học chữ để biết thế giới họ đang làm gì…".

Bà H’Jéo xúc động: "Đại tướng nói rất đúng. Bởi phụ nữ Tây Nguyên bấy giờ chỉ biết nuôi con trong nhà, đồng bào mình hiếm người biết chữ, biết tiếng Kinh. Có biết chữ thì mới biết thế giới họ đang làm gì để mà học tập".

Bà H'Jéo xúc động khi kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bà H'Jéo xúc động khi kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bà H'Jéo xúc động khi kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những lời dặn của Đại tướng như mới ngày hôm qua còn văng vẳng bên tai, vậy mà bây giờ nghe tin Đại tướng mất, bà H’Jéo như không tin đó là sự thật. "Cái cây Kơ nia đến lúc nó cũng phải khô, nên mình phải chấp nhận thôi. Đối với Đại tướng đã đến lúc bác phải ra đi. Nhưng tinh thần, ý chí, chiến lược… của Đại tướng thì mãi sống trong lòng tôi và người dân Tây Nguyên nói riêng".

"Tin Đại tướng mất mà sao giống như một người cha trong nhà mất, bố tôi hy sinh khi đất nước còn chiến tranh, chúng tôi không được làm lễ tang cho ông", bà H’Jéo khóc nghẹn ngào.

Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng tổ chức lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo nguyện vọng của các thế hệ Cựu chiến binh, cựu quân nhân và nhân dân trên địa bàn TP Đà Nẵng, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ viếng và truy điệu đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 2 ngày 12/10 và 13/10.

Ông Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng - cho biết, buổi lễ sẽ bắt đầu từ 7h30 sáng ngày 12/10 đến 10h ngày 13/10/2013. Hoạt động sẽ thực hiện theo đúng lịch của Ban tang lễ Trung ương. “Ai cũng có thể đến viếng Đại tướng nếu không có điều kiện ra Quảng Bình hay Hà Nội”, ông Hùng nói.

Sau lễ viếng, Hội Cựu chiến binh sẽ lập bàn thờ và không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tầng 2 Văn phòng Hội Cựu chiến binh (số 68 Quang Trung) vì Đại tướng không chỉ là vị Tướng của nhân dân mà còn là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Theo ông Thái Thanh Hùng, đây là nguyện vọng chính đáng của các hội viên cũng như tình cảm của nhân dân TP Đà Nẵng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Công Bính

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm