1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vị tướng của những trận thắng lớn không bao giờ kiêu ngạo

(Dân trí) - Nói về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam - tướng Mười Hương - thẫn thờ rồi bật khóc nức nở...

Dù tuổi đã cao, phải tập vật lý trị liệu hàng ngày, nhưng khi nghe phóng viên Dân trí xin được phỏng vấn để hiểu thêm cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng tình báo Mười Hương (tức Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính trung ương) đã vui vẻ nhận lời.

Ở tuổi 92 nhưng người từng chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ cộng hòa chống Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam, vẫn nhớ như in những tháng ngày hoạt động cách mạng. Ông bật khóc khi nhắc tới sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng phải đến lúc về với ông bà nhưng sao đau xót quá! Tôi đã định ra thăm Đại tướng nhưng không kịp” - ông Mười Hương nói.

Tướng tình báo Mười Hương thẫn thờ khi nghe tin Tướng Giáp ra đi
Tướng tình báo Mười Hương thẫn thờ khi nghe tin Tướng Giáp ra đi

Ngăn vội dòng nước mắt chực trào, vị tướng tình báo hồi tưởng lại: Năm 14, 15 tuổi, ông tham gia vào phong trào Thanh niên dân chủ, phong trào Hướng đạo và hội truyền bá quốc ngữ. Ông từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh…

Kháng chiến bùng nổ, Mười Hương tham gia vào tổ chức G.L.A (Giao thông - liên lạc - an toàn khu) của Trung ương. Tuy còn là cậu thiếu niên nhưng Mười Hương người dân thương yêu, đùm bọc chở che và thuộc làu các phố phường Hà Nội. Ông từng bị tù đày trong nhà tù Pháp và Việt Nam Cộng hòa nhưng một mực không khai. Chính vì thế, khi được trả tự do và về với cách mạng, ông càng được các lãnh đạo tin tưởng, trong đó có tướng Giáp.
 
Là cán bộ Đảng, được phân công nhiệm vụ lo sắp xếp chỗ ăn, ở cho cụ Hồ, cán bộ Đảng và quân sự… Mười Hương làm việc bằng cả sự tận tình, chu đáo. Những lần tiếp xúc với Tướng Giáp, ấn tượng trong ông đó là một vị tướng không chỉ giỏi về tài thao lược, có biệt tài đọc tình huống chiến trận mà còn là người lãnh đạo luôn tận tâm với cách mạng, chân tình với cấp dưới. Ông còn là người Thầy của bao thế hệ học trò, trong đó có những người nay là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
 
“Tôi nhỏ hơn anh Giáp cả 10 tuổi và là cấp dưới. Anh ấy với tôi là một trời một vực nhưng khi ở chiến khu Việt Bắc, tôi bị bệnh, ói ra máu, anh Giáp tận tình thăm hỏi. Là vị tướng tài với bao chiến thắng lẫy lừng, đi vào lịch sử, khiến các đế quốc hùng mạnh phương Tây phải kính nể, tâm phục khẩu phục nhưng anh ấy không bao giờ kiêu ngạo. Trở về đời thường, anh lại càng bình dị…”.
 
Khi được điều động vào miền Nam, Mười Hương mở lớp huấn luyện tình báo và là cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn… Tuy ở hai miền Nam Bắc nhưng những báo cáo tình báo của tướng Mười Hương gửi về trực tiếp cho Bác Hồ và Tướng Giáp đều được đánh giá cao.

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, tướng Mười Hương nhiều lần ra Hà Nội. Lần nào ông cũng ghé thăm Đại Tướng. Nghe tin Đại tướng nằm điều trị ở Bệnh viện 108, ông cũng đến thăm bằng được rồi mới chịu quay lại TPHCM. Tình cảm giữa ông và Tướng Giáp gần gũi, mộc mạc và rất đỗi chân thành. Ông nhớ, Tướng Giáp còn căn dặn các chiến sĩ bảo vệ là hễ có ai tên Mười Hương thì cứ cho vào gặp…

Dẫu biết không thể cưỡng lại quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng tướng Mười Hương vẫn thấy xót xa khi người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đi.

Công Quang - Quốc Anh