1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gửi lo lắng đến Quốc hội vì biển Đông ngày càng phức tạp

(Dân trí) - Tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, kinh tế có những dấu hiệu xấu đáng lo ngại, dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên rủi ro như… chơi với lửa… Cử tri TPHCM gửi đến Quốc hội nhiều bức xúc, tâm tư trước kỳ họp thứ 5.

Báo cáo về kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 do Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM Trần Du Lịch ký, phản ánh rất cặn kẽ từng lĩnh vực người dân thành phố còn tâm tư cũng như kỳ vọng.

“Mạnh tay” hỗ trợ người dân, giải cứu doanh nghiệp

Đối với các hoạt động của Quốc hội, cử tri quan tâm nhiều đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được tiến hành trong kỳ họp này. Cử tri đề nghị các vị ĐBQH thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc này, để thực hiện việc lấy phiếu đảm bảo khách quan, tiến hành công khai, minh bạch cho người dân được biết.
Tình hình biển Đông khiến nhiều cử tri lo lắng

Tình hình biển Đông khiến nhiều cử tri lo lắng

Cử tri cũng bày tỏ lo lắng về tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo; tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biển; tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân.

Về lĩnh vực kinh tế, báo cáo kết quả nêu nhận định, cử tri bày tỏ sự lo lắng trước tình hình kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, tình trạng thất nghiệp tăng, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng cao.

Tình trạng giá xăng lên xuống bất thường, tăng cao nhưng giảm nhỏ giọt, giá xăng tăng kéo theo giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá vẫn không giảm gây khó khăn cho người dân… vẫn là lỗi lo chung của cử tri.

Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đề ra các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, có chính sách bình ổn giá cả thị trường nhằm chia sẻ khó khăn của người dân, nhất là công nhân, người lao động.

Về vấn đề tháo gỡ khó khăn, giải cứu doanh nghiệp, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố phản ánh yêu cầu của người dân về một cơ chế mạnh hơn để tái cấu trúc lại món nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp được vay vốn. Các doanh nghiệp đề nghị cho phép họ được đảo nợ thay cho chủ trương mua bán nợ, có chính sách giúp họ tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8 - 10%/năm.

Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp vay vốn, phát triển đầu tư, nguyện vọng của nhóm cử tri này là nhà nước khống chế chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ vào khoảng 2,5 - 3% . Đồng thời, giảm bớt thủ tục không cần thiết; cho phép các doanh nghiệp thế chấp hàng hóa hoặc các dự án có tính khả thi....

Cũng có ý kiến đề nghị nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp, có phương án khả thi thì ngân hàng không dựa vào việc trước đây từng trả vốn chậm để không cho vay. Hoặc đối với những doanh nghiệp thực sự có tài sản thế chấp, có dự án khả thi thì dù đang lỗ vẫn xem xét giải quyết cho vay.

Bên cạnh đó, có không ít ý kiến lo lắng về tình hình bất ổn của thị trường vàng cũng như việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng nhưng chưa đạt hiệu quả cao, chưa rút ngắn được khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước và việc sử dụng vàng. Cử tri đề nghị Nhà nước cần có giải pháp hiệu quả để quản lý thị trường vàng trong nước với chủ trương không khuyến khích đầu tư vàng, kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; có kế hoạch dự trữ vàng quốc gia để dự phòng trong những trường hợp cần thiết

Cử tri cũng tiếp tục yêu cầu công khai hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong vụ Vinashin, Vinalines.

Sớm giám sát dự án bô xít Tây Nguyên
Tình hình biển Đông khiến nhiều cử tri lo lắng

ĐB Trần Du Lịch cũng khái quát, cử tri phản ảnh nhiều ý kiến liên quan đến dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên về việc mặc dù dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các dự án Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) và dự án xây dựng cảng vận chuyển Kê Gà vẫn đang triển khai thực hiện. Ông Lịch cho biết, có nhiều người dân đề nghị Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát về các dự án này, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.

Đối với một dự án riêng của khu vực TPHCM - dự án xây dựng sân bay Long Thành, cử tri thành phố cho rằng xây dựng sân bay trong thời điểm hiện nay là chưa hợp lý, gây lãng phí. Theo đó, việc làm cần thiết bây giờ là đầu tư mở rộng, nâng cấp các sân bay hiện có như  Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ, Liên Khương, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và phù hợp với phương hướng phát triển của TPHCM.

Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục đề nghị xem xét lại tính khả thi khi xây dựng sân golf, nhà cao tầng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay.

Về chủ trương xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét thật kỹ lợi ích và tác hại khi 2 công trình này có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực, đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, trong đó có TPHCM. Nhiều cử tri đề nghị không nên tiếp tục thực hiện dự án thủy điện này nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên.

Ở góc độ rộng hơn, cử tri đề nghị không cho phép làm thuỷ điện ở khu vực vùng nguyên sinh. Ở các khu vực khác chủ đầu tư các dự án thuỷ điện cũng phải trồng lại rừng mới được phép thi công. Đồng thời Nhà nước cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong vận hành, xả nước để không gây thiệt hại cho đời sống và hoạt động sản xuất của nông dân.

Đối với lĩnh vực xã hội, ông Trần Du Lịch cho biết, cử tri lo lắng trước tình trạng tội phạm gia tăng, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là phạm pháp lứa tuổi vị thành niên đang có chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Các công dân của thành phố đề xuất cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm để đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân; xem xét điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan để xử lý nghiêm khắc hơn; tăng cường công tác giáo dục cho trẻ vị thành niên, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc cho học sinh, sinh viên…

Nhiều ý kiến khác đề nghị xem xét lại quy định thi hành án tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc, vì hiện nay nước ta chưa sản xuất được thuốc độc, phải nhập thuốc độc từ các nước khác, dẫn đến nhiều trường hợp thi hành án phải chờ đợi, gây tâm lý không tốt trong nhân dân.

P.Thảo