1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đà Nẵng chưa xác định được số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập

Hoài Sơn Công Bính

(Dân trí) - Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện việc tinh giản cán bộ phải tính toán vì liên quan đến con người, cuộc sống của từng cá nhân và cả gia đình phía sau.

Ngày 20/12, tại buổi họp báo cuối năm, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, liên quan sắp xếp bộ máy hành chính, theo chủ trương chung của Trung ương, Đà Nẵng có 2 việc phải làm.

Một là sắp xếp xã, phường. Tỷ lệ số lượng xã, phường ở Đà Nẵng không nhiều nên việc sắp xếp ở mức độ chỉ điều chỉnh địa giới hành chính, tập trung ở quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê là chính.

Thứ hai là thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Đà Nẵng chưa xác định được số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập - 1

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

"Quan điểm Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, cơ sở, cứ vậy mà làm", ông Cường khẳng định và cho hay, ít nhất các sở, ngành phải tương đồng với các bộ, phía trên nhập bao nhiêu thì ở địa phương cũng vậy.

Theo ông Cường, Trung ương giảm 5 bộ, 2 cơ quan ngang Bộ, chưa kể các tổng cục cũng được sắp xếp trở lại. Trên tinh thần đó, bên cạnh việc sáp nhập các sở, ngành, thành phố sẽ tinh gọn tiếp các sở, ngành không nằm trong sáp nhập.

Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh, tinh thần của Đà Nẵng là tinh giảm 15-20% đầu mối, phòng, ban. Những đơn vị sự nghiệp có chức năng trùng lắp khi sáp nhập cũng sẽ được tính toán.

"Chúng ta xác định đây là một cuộc cách mạng. Việc sáp nhập cũng tạo nhiều vấn đề cần giải quyết, bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, đầu mối để xử lý công việc, tinh gọn để bộ máy bớt cồng kềnh. Đà Nẵng sẽ quyết liệt làm, hoàn thành trong quý I", ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho biết, hiện nay Đà Nẵng đang xây dựng các kế hoạch cụ thể, giao các sở bàn bạc, sắp xếp bộ máy sau khi sáp nhập, với tinh thần rút gọn 15-20%. Các sở còn lại cũng phải rà soát, sắp xếp, tinh gọn lại; tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, các hội đoàn thể theo chủ trương.

"Đà Nẵng bám theo chủ trương của Trung ương để làm một cách nghiêm túc, không phải làm qua loa, không phải làm cho xong", ông Cường nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, chưa xác định được số lượng cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập. Thành phố đang "làm khung" để từ đó tính toán lộ trình, có các chính sách mạnh để khuyến khích các cán bộ gần đến tuổi hoặc những cán bộ cảm thấy mình không còn khả năng đáp ứng được nữa thì xin nghỉ sớm.

"Trong quá trình thực hiện, có những người nghỉ hưu, xin nghỉ việc sẽ tiếp tục tinh giản thêm, chứ không phải ngay một lúc cắt bao nhiêu là cắt vì liên quan đến con người, cuộc sống của từng cá nhân và cả gia đình phía sau", ông Cường cho hay.

Trước đó, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trong đó, thành phố đề xuất giải thể, sáp nhập nhiều sở, ngành theo hướng tinh gọn bộ máy.

Sắp xếp bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Ngày 20/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố kế hoạch sắp xếp lại bộ máy hành chính, nhằm tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đồng thời giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ khi thực hiện sắp xếp.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ duy trì hoạt động của 4 sở, ngành gồm: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh.

Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kinh tế - Tài chính.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Xây dựng và Giao thông.

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học - Công nghệ và Truyền thông.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động, chuyển một số chức năng quản lý sang các sở khác.

Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh, chuyển một số chức năng sang Sở Kinh tế - Tài chính.

Văn phòng UBND tỉnh sẽ đảm nhận thêm chức năng của Sở Ngoại vụ. Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ được tổ chức lại để phù hợp với chức năng mới.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ được hợp nhất với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Tên gọi mới dự kiến là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.

Một số đơn vị khác như Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, Trường Cao đẳng Quảng Nam, và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam sẽ tạm thời giữ ổn định và nghiên cứu định hướng sắp xếp tiếp theo.

Sau khi sắp xếp, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh còn lại 7 đơn vị, giảm một đơn vị so với trước.