DMagazine

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái "bình thường mới"?

(Dân trí) - Hà Nội sắp kết thúc "đợt giãn cách thứ 4" với số ca bệnh ghi nhận hàng ngày đang có chiều hướng giảm. Vậy đã đến thời điểm thích hợp để Hà Nội dừng giãn cách xã hội toàn thành phố?

Hà Nội sắp kết thúc "đợt giãn cách thứ 4" với số ca bệnh ghi nhận hàng ngày đang có chiều hướng giảm. Vậy đã đến thời điểm thích hợp để Hà Nội dừng giãn cách xã hội toàn thành phố?

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới? - 1

Các cửa hàng bán đồ ăn mang về trên phố Hàng Than, Hàng Gà, Hàng Bài mấy ngày qua đã nhộn nhịp người dân tới mua hàng. (Ảnh: Quân Đỗ).

Càng nới lỏng càng phải cảnh giác cao độ

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với tình hình dịch bệnh có diễn biến như hiện tại, Hà Nội hoàn toàn có căn cứ để dừng giãn cách xã hội toàn thành phố, nới lỏng hơn các hoạt động, dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi lẽ, số ca F0 ghi nhận hàng ngày đang có chiều hướng giảm. Hà Nội hàng ngày vẫn tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt trong toàn thành phố nhưng số dương tính đã giảm đi rất nhiều.

Ngày 18/9, tuy phát hiện ổ dịch ở quận Long Biên, song đây cũng là điều nằm trong dự báo vì không thể ngày một ngày hai đưa Hà Nội về trạng thái "Zero Covid-19". Điều lạc quan là chỉ còn số ít các ổ dịch trên địa bàn ở phạm vi hẹp, được kiểm soát và đặc biệt là tỉ lệ người dân được tiêm mũi một vắc xin phòng Covid-19 cao…

"Đó là căn cứ để Hà Nội có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách vững tâm hơn để phát triển kinh tế-xã hội" - ông Trần Đắc Phu nêu quan điểm.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, song hành việc từng bước mở cửa các hoạt động, dịch vụ, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là trong thời gian tới.

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới? - 2

Ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần, nhiều tổ công tác tiếp tục kiểm tra người đi đường lưu thông tại Hà Nội. Tại chốt kiểm tra trên phố Huế (quận Hai Bà Trưng), nhiều trường hợp đã bị xử phạt vì ra đường không có giấy đi đường. (Ảnh: Quân Đỗ).

Đặc biệt, sau khi nới lỏng một số hoạt động, người dân cũng phải tránh tâm lý buông xuôi, chủ quan. Thay vào đó, càng được nới lỏng thì người dân càng phải cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng dịch của thành phố.

"Trong bối cảnh cả nước vẫn còn nhiều vùng dịch, đặc biệt là tại Bình Dương và TPHCM và chưa thể khẳng định thành phố đã "sạch dịch". Bên cạnh đó, nguy cơ dịch ở Hà Nội vẫn rất cao do không thể giám sát, quản lý được toàn bộ người trở về từ vùng dịch" - ông Phu khuyến cáo và cho rằng, trong thời gian tới, thành phố cần liên tục triển khai xét nghiệm các nhóm đối tượng nguy cơ, nhóm ho sốt và các vùng nguy cơ trên địa bàn để chủ động phòng, chống dịch.

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới? - 3

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, càng được nới lỏng thì người dân thành phố càng phải cảnh giác cao độ để phòng, chống dịch (Ảnh tư liệu).

Đã đạt được 3 mục tiêu để nới lỏng giãn cách?

Mới đây, sau khi nghe báo cáo tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xác định cụ thể các điểm cách ly, phong tỏa để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ.

Đặc biệt, sau ngày 21/9, cần có xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận, tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong "giai đoạn mới".

Trong đó, việc áp dụng các biện pháp phải dựa trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất đối với các điểm đang thực hiện cách ly, phong tỏa. Đồng thời, thường xuyên có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trước đó, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, thành phố đặt ra mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ hoàn tất tầm soát xét nghiệm diện rộng, tiêm vắc xin Covid-19 mũi một cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vắc xin được đảm bảo)...

Từ đó sẽ cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách và mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới? - 4

Về kết quả tiêm chủng, tính đến 6h ngày 18/9, tổng số mũi 1 đã tiêm ở Hà Nội là hơn 5,6 triệu trường hợp (Ảnh: Mạnh Quân).

Có thể thấy, trải qua 4 đợt giãn cách xã hội (khoảng 60 ngày), tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm chế.

Qua số liệu thống kê, đợt giãn cách lần 4 (từ 7/9 đến 6h ngày 18/9), thành phố ghi nhận 312 ca mắc (trung bình 28,3 ca/ngày), trong đó có 31 ca tại cộng đồng (trung bình 2,8 ca/ngày), 64 ca tại các khu phong tỏa (trung bình 5,8 ca/ngày), 189 ca ghi nhận trong khu cách ly (trung bình 17 ca/ngày) và 6 ca nhập cảnh.

Như vậy, số ca mắc bình quân/ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh còn 28,3 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày).

Dựa trên tình hình thực tế, 12h ngày 16/9 vừa qua, Hà Nội đã cho phép 19 quận, huyện chưa ghi nhận F0 trong cộng đồng (từ ngày 6/9 đến tối 15/9) được mở lại một số hoạt động kinh doanh dịch vụ nhưng phải đáp ứng một số quy định mới về phòng chống dịch (khai báo y tế bắt buộc đối với nhân viên, quét mã QR bắt buộc đối với khách đến mua hàng, 100% nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh phải tạo điểm quét mã QR…).

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là dù nới lỏng hoạt động

Ngay cả khi thành phố đang chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 21/9, thì tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về quan điểm phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới? - 5

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 21/9 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ngày 16/9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các địa phương rà duyệt lại toàn bộ các đối tượng đã tiêm vắc xin mũi 1 phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tiêm phủ mũi 2, gửi Sở Y tế tổng hợp để tham mưu thành phố làm việc với Bộ Y tế để kịp thời được phân bổ vắc xin. Hà Nội phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành, đảm bảo đúng thời gian theo quy định với từng loại vắc xin khi tiêm mũi 2.

Về kết quả tiêm chủng tính đến 6h ngày 18/9, tổng số mũi một đã tiêm ở Hà Nội là hơn 5,6 triệu trường hợp (tương ứng với 5,6 triệu người trên 18 tuổi được tiêm, đạt 93,8%); tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%.

Giãn cách giúp Hà Nội giữ thế chủ động

Xuyên suốt quá trình dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn thành phố, quan điểm chỉ đạo phòng, chống dịch của Thành ủy Hà Nội là phải chủ động chuẩn bị trước ở mức độ cao hơn.

Hồi tháng 8 vừa qua, phân tích về quyết định kéo dài thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, động thái này là cần thiết để Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mới đây, ông Phong cho biết, về công tác điều trị, với quan điểm nhất quán của Hà Nội ngay từ đầu chống dịch, đó là không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Quan điểm này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tất cả các F0 của Hà Nội đều được chữa trị tại bệnh viện, tất cả F1 đều được cách ly tập trung.

Đã đến lúc Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới? - 6

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã xây dựng phương án dự kiến có tới 40 nghìn F0 và đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này (Ảnh: Mạnh Quân).

Để nâng cao năng lực y tế, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế của Hà Nội, từ các bệnh viện đến các trạm y tế.

Hà Nội cũng đã xây dựng phương án dự kiến có tới 40 nghìn F0 và đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này.

Hiện nay, thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10 nghìn F0, nhưng thành phố đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng một). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Đồng thời, Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện thành phố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40 nghìn người bệnh…

Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng được thu hẹp lại, chỉ còn 15 điểm quy mô thôn, xã tại 10 quận, huyện. Đồng thời, toàn thành phố còn lại 3 xã, phường "vùng đỏ", gồm: phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) với tổng là 95.587 người.

Hôm nay (20/9), Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức thông tin về thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn sau 4 lần thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố và các biện pháp phòng, chống dịch sau ngày 21/9.