Cừu gục chết trên đường do hạn hán kéo dài ở miền Trung
(Dân trí) - Hạn hán kéo dài ở các tỉnh miền Trung khiến nhiều hồ thủy lợi cạn trơ đáy, những cánh đồng khô cằn. Người dân chật vật đi tìm từng giọt nước để cứu cây trồng và đàn gia súc.
Một con cừu chết khô trên đường vì đói khát do hạn hán kéo dài ở khu vực hồ thủy lợi Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lòng hồ Ông Kinh và các ao, giếng của người dân đã khô đáy. Những cánh đồng cỏ, cây lá thấp là nguồn thức ăn chính cho cừu chết khô. Việc thiếu ăn, thiếu uống được cho là nguyên nhân khiến cừu suy kiệt dần rồi chết.
"Đàn cừu khoảng 40 con, hạn hán kéo dài làm đồng khô cỏ cháy, cừu không có thức ăn, đói dần đói mòn rồi lăn ra chết", ông Phạm Ngọc Quang, một hộ nuôi cừu ở Ninh Thuận nói.
Hồ thủy lợi Ông Kinh cạn trơ đáy hơn một tháng qua khiến nhiều diện tích cây trồng khô héo. Người dân nơi đây phải ngừng sản xuất vì không còn nguồn nước tưới.
Hồ Ông Kinh có dung tích 0,83 triệu m3, nay đã cạn kiệt, chỉ còn lác đác vài hố nước nhỏ trong lòng hồ.
Người dân thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải dùng ống để lấy nước từ hồ Ông Kinh về phục vụ sản xuất.
Tại huyện Ninh Hải có 3 hồ thủy lợi lớn, gồm: hồ Ông Kinh, Thành Sơn và Nước Ngọt (tổng dung tích cả 3 hồ khoảng 5 triệu m3), nhưng đến nay, cả 3 hồ chỉ còn lại khoảng 2 triệu m3. Riêng hồ Ông Kinh đã cạn khô, đất dưới lòng hồ nứt toác.
Những ngày đầu tháng 4, lòng hồ Ông Kinh trơ đáy, người dân không thể lấy nước tưới, thậm chí nước cho cừu uống.
Hàng trăm máy bơm, ống nước của người dân đặt ở lòng hồ Ông Kinh để lấy nước tưới cho hành, tỏi phải phơi nắng nhiều tháng qua do không có nước để hút.
Theo người dân thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, hồ Ông Kinh bắt đầu cạn nước từ trước Tết Nguyên đán 2024, nhiều hộ dân phải khoan giếng tìm nước ngầm về tưới cho cây trồng.
"Đến nay nước ngầm cũng cạn. Tôi phải đóng giếng khoan sâu hơn 150m để tìm nước ngầm. Nước ngầm tìm được, sẽ chứa vào một cái ao tạm gần giếng, rồi từ ao này bơm tăng cấp về đến ruộng. Chi phí bỏ ra cả trăm triệu đồng, quá tốn kém", ông Trần Đạt nói.
Khi nước mặt không còn, hàng trăm hộ dân khu vực hồ Ông Kinh phải tất tả đào ao, khoan giếng, đặt máy bơm tăng cấp để tìm nguồn nước ngầm ngay trong lòng hồ này.
Dưới cái nắng như đổ lửa, người dân thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vẫn cố gắng kéo các ống nước dài hàng trăm mét dưới lòng hồ Ông Kinh để đấu nối, dẫn nước về nhà tưới cho các ruộng hành tím sắp đến ngày thu hoạch.
Ông Trần Còn (45 tuổi) đang cùng người thân đưa ống nhựa xuống giếng khoan ở khu vực lòng hồ Ông Kinh để dẫn nước về ruộng hành tím. Trước đó, giếng khoan có độ sâu gần 50m của gia đình ông cạn nước, ông Còn phải thuê máy khoan giếng tận tỉnh Đồng Nai về khoan gần 150m dưới lòng đất để tìm nước.
5 anh em trong một gia đình ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) dùng chung một cái ao để chứa lượng nước từ giếng khoan dẫn về. Khi ao đầy nước, họ sẽ dùng máy bơm tăng cấp để dẫn nước về rẫy với chiều dài hơn 2km.
Thiếu nước, nắng hạn kéo dài khiến nhiều cánh đồng khô khốc. Đi khắp vùng, đâu đâu cũng gặp cảnh những đàn bò, đàn cừu ốm trơ xương, liêu xiêu tìm cây cỏ để ăn nhưng cũng không còn, tìm ao để uống nước nhưng cũng không có.
Nhiều hộ sản xuất khác nằm trong vùng, tuy đã giảm xuống 70-80% diện tích trồng, nhưng thiếu nước tưới, nên hằng ngày cứ thấp thỏm đợi mưa giữa mùa hạn.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 04/CĐ-TTg, ngày 15/1/2024, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực.
Bộ cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.